Với dư địa cực lớn, nếu có hành động kịp thời, nhanh và trúng đích, sự chung tay của chính quyền – người dân – doanh nghiệp, đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) hoàn toàn có cơ hội hiện thực hóa khát vọng trở thành đảo du lịch “xanh” đẳng cấp quốc tế.
Là một trong những “mắt xích” quan trọng của kinh tế, du lịch biển phía Bắc, khu vực động lực du lịch quốc gia Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Ninh Bình, đảo Cát Bà (Hải Phòng) đã sớm định hướng phát triển du lịch sinh thái, với kỳ vọng bứt phá thành đảo du lịch “xanh” đẳng cấp, thông minh.
Du lịch sinh thái vốn xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 90 thế kỷ XX và là loại hình phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp du lịch, với tốc độ tăng khoảng 20 – 34%/năm. Cách hiểu đúng nhất về du lịch sinh thái là tạo ra mối quan hệ hữu cơ, hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, thúc đẩy ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng sở tại, vừa bảo tồn giá trị tự nhiên.
Phát triển du lịch sinh thái biển là 1 trong những định hướng quan trọng được đề ra tại Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Không thể phủ nhận, đảo Cát Bà sở hữu đầy đủ nền tảng để trở thành đảo du lịch sinh thái đẳng cấp. Chỉ riêng việc hội tụ 6 danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm: Danh lam thắng cảnh – Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Biển, Vịnh biển đẹp nhất thế giới và mới nhất là danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận đã xứng đáng đưa Cát Bà thành thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng “xanh”, thông minh, là “gương mặt đại diện” cho du lịch sinh thái đảo của Việt Nam và châu Á.
Việc sở hữu tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long cùng hệ thống xe điện hoạt động mạnh mẽ khu vực trung tâm cũng là những khởi đầu lý tưởng để nhanh chóng thiết lập hệ sinh thái cơ sở hạ tầng du lịch – tiện ích – kỹ thuật xanh cho đảo ngọc.
Trên thế giới, những đảo du lịch “xanh”, thông minh vẫn luôn chứng minh sức hút mãnh liệt. Có thể kể đến những hình mẫu như đảo Lamma, Hồng Kông (Trung Quốc) luôn nằm trong top hòn đảo không khói xe ô tô đáng để khám phá bậc nhất thế giới; đảo Princes (Thổ Nhĩ Kỳ) nói không với xe chạy bằng xăng; hay đảo Tau thuộc quần đảo Samoa của Mỹ chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời gần như hoàn toàn… Hàng loạt đảo du lịch khác như Honolulu (Hawaii), quốc đảo Dominica trong vùng Biển Caribbean… cũng sẵn sàng chi bộn tiền trong nỗ lực “xanh hóa” và gặt hái thành công ngoài mong đợi, thu hút lượng khách khổng lồ toàn cầu mỗi năm.
Hành động nhanh, đưa Cát Bà sớm thành “tiểu Maldives của Việt Nam”
Cũng như các hòn đảo trên thế giới, những vấn đề mấu chốt Cát Bà cần giải quyết để bứt phá ngoạn mục, trở thành đảo du lịch xanh đẳng cấp của Việt Nam là ô nhiễm tiếng ồn; ô nhiễm khói dầu từ ô tô và các phương tiện phát thải ra môi trường; ô nhiễm rác thải, nước thải. Và để phát triển bền vững, đáp ứng sức tải với lượng khách khổng lồ trong tương lai, ngay từ bây giờ cần tính toán đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch bài bản, quy mô với công nghệ hiện đại.
Theo GS.TS Đỗ Công Thung – Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển, giải pháp ưu tiên là cần hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện giao thông chạy xăng, dầu trên đảo. “Cách đây khoảng 5 năm, UBND TP Hải Phòng đã đặt vấn đề: làm thế nào để tất cả ô tô, phương tiện phát thải ô nhiễm không khí, tiếng ồn sẽ dừng lại ở phía cảng cá, không hoạt động trên đảo Cát Bà, di chuyển quanh đảo sẽ sử dụng xe điện. Đó là tầm nhìn cần thiết. Hiện nay, việc sử dụng cáp treo đi từ Cát Hải sang Cát Bà là một phương án rất hay, khắc phục được nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, hạn chế các phương tiện lên đảo, tuy nhiên chưa đủ đáp ứng nhu cầu dài hạn, cần bổ sung thêm các tuyến như từ đảo Cát Hải đến trung tâm thị trấn Cát Bà để thuận tiện hơn cho di chuyển”, GS.TS Đỗ Công Thung phân tích.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần đẩy nhanh xây dựng hạ tầng xử lý rác thải, nước thải ở quy mô đủ tầm và công nghệ cao. Đây cũng chính là mong muốn của người dân, các hộ kinh doanh trên đảo sau thời gian dài chung sống với rác và nước thải ô nhiễm. “Cát Bà rất đẹp nhưng dưới cầu cảng rất nhiều rác trôi nổi, mùi hôi thối, có thể từ các cống thải ra. Tôi kỳ vọng Cát Bà sẽ được đầu tư bởi các tập đoàn lớn, từ đó xử lý được hệ thống nước thải, rác thải để không gian sạch sẽ trong lành hơn”, ông Phạm Văn Lĩnh – quê Hải Dương, sống ở Cát Bà hơn 10 năm chia sẻ.
Hiện TP Hải Phòng, huyện Cát Hải cũng đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để giải quyết câu chuyện ô nhiễm bằng việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cải tạo nâng cấp, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực hồ Tùng Dinh, khu vực trung tâm,… Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư lớn chung tay “xanh” hóa Cát Bà. Thời gian qua, Công ty TNHH xây dựng dân dụng Phú Quốc (thành viên Tập đoàn Sun Group) công bố rót gần 12.500 tỷ đồng để triển khai dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà nhằm mang đến đảo ngọc một dự án xanh toàn diện.
Điều đặc biệt, dự án không những mang đến hệ thống xử lý nước thải, rác thải đồng bộ, thân thiện với môi trường, mà còn đầu tư hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt tiên tiến và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, xử lý để đáp ứng nhu cầu nước ngọt trên đảo. Chưa hết, bám sát mục tiêu đưa đảo Cát Bà thành đảo du lịch “xanh” đẳng cấp, dự án được quy hoạch bài bản với tâm điểm là quảng trường trung tâm, bãi tắm nhân tạo công cộng tiêu chuẩn quốc tế, các tuyến phố đi bộ cùng chuỗi dịch vụ sôi động. Xuyên suốt dự án là trục cảnh quan cây xanh, mặt nước công cộng bao quanh và len lỏi trong mọi hạng mục, tạo điểm đến xanh trong cảnh quan, xanh trong tiện ích sống cũng như xanh trong cơ sở hạ tầng. Đây cũng là một trong những mô hình dự án cải tạo đất bài bản và được ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại theo xu hướng quốc tế.
Phát triển kinh tế, du lịch biển, đảo cao cấp, bài bản gắn với kiến tạo và bảo vệ môi trường xanh, sinh thái cùng hệ tiện ích thông minh chính là “chìa khóa” để các hòn đảo phát triển bền vững. Ông Michael van de Watering – Chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn Tư vấn Toàn cầu về các công trình Lấn biển, Hàng hải và Công nghệ xử lý nước Royal HaskoningDH cho rằng, cơ hội để Cát Bà để trở thành một đảo sinh thái không phát thải rất hứa hẹn. Để đạt mục tiêu này, cần những nỗ lực chung từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
“Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng việc áp dụng các biện pháp xây dựng xanh để đảm bảo công trình xây dựng mới tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường; đầu tư cho sáng kiến du lịch bền vững và giảm thiểu lượng khí thải carbon; hợp tác với cộng đồng địa phương để tạo ra nhiều cơ hội việc làm hỗ trợ các hoạt động bền vững”, ông Michael van de Watering nhận định.