Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ như cách Đà Nẵng và Quảng Ninh vươn tầm thế giới nhờ sự tiên phong của các “ông lớn” bất động sản.
Tiềm năng du lịch chưa khai phá
Trong một tác phẩm viết về Lý Thường Kiệt, giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhận định: “Trong cả nước Việt Nam, không nơi nào có nhiều cảnh đẹp như Thanh Hóa“. Không những vậy, xứ Thanh sở hữu tài nguyên du lịch từ núi biếc, sông xanh cho tới những di tích, đền chùa nổi danh, các hang động đẹp và cả nguồn khoáng nóng quý giá. Vùng đất này được hưởng lợi từ dải bờ biển tuyệt đẹp của Bắc Trung Bộ, có Sầm Sơn – nơi được người Pháp mệnh danh là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất Đông Dương.
Bãi biển Sầm Sơn đông nghẹt du khách tắm biển. Ảnh: T.Dung
Được thiên nhiên ưu đãi song Thanh Hóa chưa thể sánh vai với các điểm đến như Đà Nẵng, Quảng Ninh về độ phủ sóng, khả năng giữ chân du khách và nguồn lợi nhuận. Năm 2019, khi Covid-19 chưa xuất hiện, Thanh Hóa đón 9,65 triệu khách, nhưng chỉ có vỏn vẹn hơn 300.000 lượt khách quốc tế. Dù tổng lượng khách cao hơn Đà Nẵng (gần 8,7 triệu lượt) nhưng doanh thu chỉ bằng một nửa, đạt 14.526 tỷ đồng so với gần 31.000 tỷ đồng của thành phố sông Hàn. Cũng trong năm đó, ngành du lịch Quảng Ninh thu gần 29.500 tỷ đồng, với 5,7 triệu lượt khách quốc tế.
Theo các chuyên gia, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Ninh cùng điểm chung về vị trí chiến lược, tiềm năng phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, trên bản đồ du lịch Việt, Đà Nẵng, Quảng Ninh đã vươn lên top đầu và đang vươn ra thế giới, trong khi Thanh Hóa vẫn loay hoay tìm cách phát triển. Giá trị bất động sản của Thanh Hóa cũng chưa xứng với tiềm năng.
Không thể phủ nhận, Thanh Hóa có chuyển mình mạnh mẽ thời gian qua, đặc biệt ở việc nâng cấp hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ. Tuy vậy, bài toán được đặt ra với xứ Thanh vẫn là đi tìm sản phẩm du lịch khác biệt, tạo chuỗi dịch vụ đa dạng, bổ sung mảnh ghép cho các hoạt động giải trí mua sắm, sôi động lâu nay vẫn bỏ ngỏ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, lời giải cho bài toán nâng tầm du lịch xứ Thanh thành điểm đến xa hoa dành cho giới thượng lưu… không chỉ trông chờ vào chiến lược của địa phương mà còn nằm trong tay những doanh nghiệp tiên phong. Theo quan điểm của PGS.TS Trần Đình Thiên, Thanh Hóa đứng trước cơ hội “cất cánh” nhờ tầm nhìn chiến lược có sức thuyết phục và sự góp mặt của những “đại bàng” quốc tịch Việt.
Doanh nghiệp tiên phong thay đổi diện mạo ngành du lịch
Một trong những “đại bàng” đang chọn Thanh Hóa làm tổ là Sun Group – tập đoàn đứng sau sự vươn tầm du lịch của Quảng Ninh và Đà Nẵng. Ít ai biết rằng, 20 năm trước, Đà Nẵng từng là một thành phố buồn với xóm nhà chồ nghèo bên sông Hàn cùng những bãi biển vắng người qua lại. Việc thu hút Sun Group đầu tư vào du lịch với các công trình biểu tượng nổi tiếng thế giới như Cầu Vàng, Sun World Ba Na Hills, công viên Asia Park, khách sạn Novotel Đà Nẵng, khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Penisula Resort… đã tạo ra cuộc cách mạng giúp ngành công nghiệp không khói Đà Nẵng thành công.
Cầu Vàng tại Đà Nẵng. Ảnh: Sun Group
Cũng là tỉnh đi đầu về thu hút nhà đầu tư, từ 2014, Quảng Ninh đã hoàn thành xong 7 quy hoạch chiến lược. Nhờ vậy, tỉnh có cơ sở triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Ngay năm đó, Sun Group đặt chân tới Hạ Long, Quảng Ninh với dự án đầu tay Sun World Halong Complex, khởi đầu cho hành trình thay đổi diện mạo đất mỏ.
Đó là hệ thống giao thông “không – thủy – bộ” hoàn thiện với sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn hay một hệ sinh thái bất động sản – du lịch kéo dài từ Hạ Long – Cẩm Phả – Vân Đồn. Trong đó, nhiều công trình đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi tới Quảng Ninh và hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản miền Bắc như cáp treo Nữ Hoàng, Premier Village Ha Long Bay Resort, Yoko Onsen Quang Hanh hay khu đô thị kiểu mẫu Sun Grand City Feria, tổ hợp Sun Marina…
Giới chuyên gia cho rằng, sự thành công của Đà Nẵng, Quảng Ninh đến từ việc nhanh nhạy trong thu hút đầu tư, chọn nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, qua đó tập trung phát triển du lịch cao cấp, đầu tư bài bản theo mô hình hệ sinh thái để gia tăng trải nghiệm, tạo chuỗi dịch vụ khép kín, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến…
Cùng với cách mạng hạ tầng giao thông, vị thế điểm đến được nâng tầm theo thời gian, các sản phẩm bất động sản cao cấp gắn với du lịch nghỉ dưỡng trong các hệ sinh thái ngày một gia tăng giá trị, tạo ra sự vận hành lành mạnh của thị trường địa ốc và tất yếu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Sau Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sun Group tiếp tục chọn Thanh Hóa với tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ. Mối “lương duyên” giữa Sun Group và Thanh Hóa bắt đầu vào tháng 10/2020 khi tập đoàn này công bố rót hơn 1 tỷ USD vào dự án quảng trường biển và đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Sầm Sơn.
Theo đại diện Sun Group, ngay khi công bố dự án, thị trường bất động sản xứ Thanh nhanh chóng sôi động. Tại Sầm Sơn, dự án Sun Grand Boulevard nhanh chóng hết sạch giỏ hàng. Bên cạnh đo, tổ hợp 1.260 ha mà Sun Group sẽ kiến tạo tại thành phố biển cũng nhận nhiều phản hồi tích cực. Trong đó, có trục đại lộ lớn nhất Việt Nam rộng 120 mét, kéo dài 2,6km; đại đô thị phức hợp thương mại dịch vụ; khu nghỉ dưỡng sinh thái Sun Riverside Village bên sông Đơ hay 2 công viên Sun World quy mô lấy cảm hứng từ suối cá thần Thanh Hoá và sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường…
Phối cảnh dự án Sun Grand Boulevard của Sun Group tại Thanh Hóa.
Sun Group cho biết sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình mới, đồng thời cam kết tổ chức thường niên chuỗi sự kiện lễ hội văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực để thu hút du khách tới Sầm Sơn. Tại Thanh Hóa, nhà phát triển bất động sản và du lịch này cũng sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án quần thể du lịch suối khoáng nóng Quảng Xương hay khu du lịch Bến En…
Những nỗ lực của Sun Group cũng được kỳ vọng sẽ giúp Thanh Hóa thay đổi diện mạo không riêng ngành du lịch mà còn phát triển kinh tế – xã hội.
Theo vnexpress.net