Quy mô GRDP gấp 1,7 lần sau 4 năm, tỉnh miền Trung phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới, cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành “tứ giác phát triển”

Bên cạnh đó, đến năm 2030, địa phương phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo. 

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm (giai đoạn 2021-2024) tỉnh Thanh Hóa ước đạt 9,92%, đứng thứ 4 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về quy mô kinh tế.

Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người trên địa bàn năm 2024 ước đạt 3.360 USD, gấp 1,52 lần năm 2020.

Thông tin trên được ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo vào sáng nay (5/12). Theo đó, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa sáng ngay 5/12 (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hằng năm ước đạt 13,7%; năm 2024 ước đạt 198.000 tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước về quy mô thị trường.

Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt 6,3 tỷ USD, gấp 1,7 lần năm 2020. Thu ngân sách Nhà nước luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2024 ước đạt 189.588 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2024 ước đạt 54.341 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 8 cả nước.

Ông Đỗ Minh Tuấn cũng báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thu hút được 256 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 38 dự án FDI. Lũy kế đến nay, Thanh Hóa có 173 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 15 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn tỉnh ước có 14.643 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 7 cả nước. Ước đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có khoảng 22.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt 5,8 doanh nghiệp/1.000 dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới. Trong đó chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn hạn chế; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa nhiều.

Ngoài ra, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn một số mặt hạn chế, chưa thực sự thông thoáng, hấp dẫn. Kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội…

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Lương Cường ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua.

Định hướng phấn đấu đến năm 2030, đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc (Ảnh: Internet)

Chủ tịch nước đề nghị tỉnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, định hướng phấn đấu đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành “Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc “, đến năm 2045 là “tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Lương Cường yêu cầu tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, nút thắt và khơi thông nguồn lực cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động và khơi thông mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển kinh tế- xã hội.

Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo môi trường đầu tư – kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, chi phí thấp để thu hút các dự án đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm mới. Cùng với đó cần quan tâm hơn nữa việc phát triển kinh tế – xã hội của các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, nơi cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: CafeF