Hệ thống đô thị Thanh Hóa đang thay đổi từng ngày khi hạ tầng đô thị từng bước được cải thiện rõ rệt
đô thị cũ được đầu tư nâng cấp xây dựng mới và các đô thị mới quy mô lớn ra đời với lối kiến trúc hiện đại.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 34 đô thị (1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 30 đô thị loại V) và tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 36% (đang thấp hơn trung bình chung của cả nước là 40%). Thực tế cho thấy, hệ thống đô thị Thanh Hóa đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tạo động lực cho tăng trưởng vùng và địa phương.
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/12/2021 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, quản lý, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kim chỉ nam để tỉnh Thanh Hóa đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị bền vững. Việc đô thị hóa không chỉ tạo ra không gian sống tốt cho người dân mà còn là động lực để phát triển kinh tế. Quy hoạch phát triển đô thị sẽ chú trọng đến hạ tầng công cộng, nhà ở, an sinh xã hội, tạo ra giá trị kinh tế, việc làm…
Để đạt được những mục tiêu đô thị hóa, góp phần thúc đấy phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Thanh Hóa cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị
Trên tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra mục tiêu phát triển đô thị có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Thanh theo đúng quy hoạch. Nhiều chỉ tiêu cụ thể được đề ra trên cơ sở phân tích hiện trạng và điều kiện phát triển đô thị hiện tại như: Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.
Đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ phát triển 1 đô thị loại I là TP. Thanh Hóa (sáp nhập TP. Thanh Hóa và huyện Đông Sơn); 2 đô thị loại III gồm TP. Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn; 1 đô thị loại IV là thị xã Nghi Sơn và 29 thị trấn là đô thị loại V, gồm: Tân Phong, Nông Cống, Triệu Sơn, Nưa, Nga Sơn, Quán Lào, Thống Nhất, Yên Lâm, Quý Lộc, Vạn Hà, Bút Sơn, Hậu Lộc, Bến Sung, Vĩnh Lộc, Kim Tân, Vân Du, Phong Sơn, Lang Chánh, Yên Cát, Thường Xuân, Cành Nàng, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Thọ Xuân, Lam Sơn, Sao Vàng, Ngọc Lặc, Hà Trung. Trên lộ trình ấy, tỉnh cũng thành lập 13 đô thị mới, gồm: Diêm Phố, Cầu Quan, Bồng, Kiểu, Tiên Trang, Gốm, Hải Tiến, Hà Long, Hà Lĩnh, Ba Si, Luận Thành, Thạch Quảng, Xuân Thiên.
Bên cạnh đó, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; có chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại IV trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GRDP của cả tỉnh khoảng 75% vào năm 2025, khoảng 85% vào năm 2030; xây dựng TP. Thanh Hóa và TP. Sầm Sơn trở thành đô thị thông minh.
Với tầm nhìn là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc, trong tương lai Thanh Hóa sẽ trở thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào nhằm nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh.
Phát triển đô thị góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa
Để đạt được những mục tiêu đô thị hóa, góp phần thúc đấy phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Thanh Hóa cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc và xây dựng. Xây dựng, sửa đổi và bổ sung các quy chế, quy định, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh cho phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế.
Tạo môi trường tốt nhất cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện các hoạt động quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh. Đi đôi với đó, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện các chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng… bảo đảm minh bạch, thống nhất. Bên cạnh đó, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là trong giải quyết, xử lý những vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn của tỉnh và những vấn đề có tính liên ngành, liên vùng.
Xây dựng các đô thị động lực, đô thị trung tâm vùng liên huyện, đóng vai trò là hạt nhân phát triển kinh tế – xã hội cấp vùng, tạo sự kết nối, lan tỏa giữa các đô thị trung tâm vùng của tỉnh và các đô thị động lực của khu vực. Nâng cao khả năng chống chọi thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, thuận tiện về giao thông, cung cấp nước ngọt, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc lấn biển để phát triển đô thị, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao hỗ trợ khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghệ Lam Sơn Sao Vàng, phát triển nông nghiệp sinh thái phục vụ nhu cầu của đô thị và nhu cầu khu vực ven biển.
Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V), vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị – nông thôn. Phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị, phát triển các vùng đệm xanh xung quanh các đô thị… xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hóa.
Nhận xét về vai trò quan trọng của Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch – Kiến trúc Thanh Hóa cho rằng: “Tôi thấy Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò đặc biệt của phát triển đô thị bởi hiện nay kinh tế ở đô thị đang đóng góp khoảng 70% GDP đất nước. Nhiệm vụ phát triển đô thị được Nghị quyết đề ra không chỉ tạo ra không gian sống tốt cho người dân mà còn là động lực để phát triển kinh tế – chính trị đất nước. Khi quy hoạch phát triển đô thị chú trọng đến hạ tầng công cộng, nhà ở, an sinh xã hội, tạo ra giá trị kinh tế, việc làm, đó chính là đích phát triển của sự thịnh vượng”.
Theo ông Quang, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Thanh Hóa hiện mới đạt 36%, thấp hơn trung bình chung cả nước là 40% nên Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa lớn để tỉnh đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Đây cũng là cơ hội để tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị bởi các cực tăng trưởng của tỉnh được xác định tại Nghị quyết này đều là các đô thị lớn. Nhiệm vụ phát triển “tứ sơn” – các trung tâm động lực của tỉnh cũng chính là phát triển các đô thị Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Sầm Sơn và Lam Sơn – Sao Vàng./.