Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 87/NQ-CP, thống nhất nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn tới.
Chính phủ trao quyền quyết định cho HĐND tỉnh Thanh Hoá chuyển mục đích sử dụng đất
Mới đây, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW về việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác, trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác, trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
Dự thảo quy định ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi ngân sách tỉnh.
Trong đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định và phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha trở lên được thực hiện như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20ha theo quy định của pháp luật về đất đai.
HĐND tỉnh cũng được quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50ha đến 1.000ha bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định.
Đối với điều chỉnh quy hoạch chung khu chức năng, cục bộ quy hoạch đô thị, trên cơ sở đồ án quy hoạch chung khu chức năng, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Thanh Hóa ban hành Kế hoạch hành động để xây dựng và phát triển
UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2999/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Nghị quyết đi vào thực tế cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, đột phá của tỉnh.
Kế hoạch nêu rõ, việc xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động nhằm quán triệt và cụ thể hóa nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương để tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 28/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Nghị quyết đi vào thực tế cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, đột phá của tỉnh.
Kế hoạch đưa ra 10 nhiệm vụ cụ thể gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin; Hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; Xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh; Phát triển mạnh các thành phần kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế biển và ven biển; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tạo nền tảng để trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu; Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, thể thao và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội;
Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; Gắn phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Đến năm 2030, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; đến năm 2045, là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Để xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước, cần tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để đến năm 2030, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; đến năm 2045, là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Trong đó: Giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt 11% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm tăng 10% trở lên. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước chiếm khoảng 4%; GRDP bình quân đầu người đạt 5.200 USD; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: nông, lâm, thủy sản chiếm 5,9%, công nghiệp – xây dựng chiếm 53,8%, dịch vụ chiếm 30,5%, thuế sản phẩm chiếm 9,8%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP chiếm 36,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD.
Giai đoạn 2026 – 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 9,2% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hằng năm tăng 7% trở lên. Đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước chiếm khoảng 4,4%; GRDP bình quân đầu người đạt 8.990 USD; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: nông, lâm, thủy sản chiếm 3,8%, công nghiệp – xây dựng chiếm 56,3%, dịch vụ chiếm 30%, thuế sản phẩm chiếm 9,9%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP chiếm 41%; kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD…/.
Theo reatimes.vn