(VNF) – Ngày 3/7, Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – bất động sản Đất Xanh Services (DXS – FERI) tổ chức sự kiện công bố Báo cáo Nghiên cứu thị trường Quý II và 6 tháng đầu năm 2023.
Thị trường nhiều khó khăn
6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đang tồn tại những thách thức lớn, từ những tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị, tài chính toàn cầu và trong nước, đến việc pháp lý bất động sản (BĐS) vẫn còn bị thắt chặt, chưa có biện pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
Niềm tin thị trường vẫn chưa phục hồi mạnh khiến các bên tham gia thị trường đều gặp khó khăn.
Xét về sức khỏe doanh nghiệp, nhóm ngành kinh doanh BĐS có tốc độ doanh nghiệp giải thể cao nhất (tăng 30,4% theo năm), nhưng lại có tốc độ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất (61,4% theo năm).
Xét về nguồn cung bất động sản, thực tế nửa đầu năm 2023, nguồn cung căn hộ mới vẫn đang tiếp tục đà suy giảm. Các nút thắt pháp lý khiến nguồn cung mới giảm lần lượt 89% tại TP.HCM và 91% Hà Nội so với năm trước. Theo đó, số lượng dự án mới được mở bán cũng giảm sâu. Nguồn cung hiện hữu chủ yếu đến từ các dự án đã triển khai nhiều năm trước, chiếm đến khoảng 90% tổng nguồn cung sơ cấp tại các vùng trọng điểm.
Nửa đầu năm, tổng nguồn cung sơ cấp tại các vùng trọng điểm của cả nước đạt khoảng 38.000 sản phẩm, trong đó miền Bắc, bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng khoảng 14.300 sản phẩm.
Miền Trung, gồm Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên khoảng 3.700 sản phẩm.
Miền Nam, gồm TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đạt 17.800 sản phẩm.
Miền Tây, với Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang, Bến Tre , Vĩnh Long, Bạc Liêu khoảng 2.300 sản phẩm.
Xét chung toàn thị trường, tỷ lệ hấp thụ chung vào khoảng 10 – 15%, trong đó: miền Bắc hấp thụ được cao nhất, ở mức 15 – 20%; miền Trung và miền Tây có tỷ lệ hấp thụ rất thấp, chỉ khoảng 5%; còn khu vực TP. HCM và các tỉnh lân cận tỷ lệ hấp thụ dao động quanh mức 10 – 20%.
Thị trường BĐS cả nước thời gian qua ít ghi nhận tình trạng tăng giá ở hầu hết các phân khúc. Tình trạng cá biệt, một số sản phẩm thứ cấp, shophouse có mức giảm giá khá sâu, lên đến 30% – 40% so với giá CĐT chào bán.
Nếu lãi suất giảm nhẹ, người mua nhà sẽ tăng thêm 20- 30%
DXS-FERI đang có 3 kịch bản dự báo cho thị trường 6 tháng cuối năm 2023, tuy nhiên DXS-FERI đã loại trừ ngay từ đầu kịch bản lý tưởng vì không khả thi. Thị trường chỉ còn trông đợi vào sự chuyển biến từ kịch bản thách thức dịch chuyển dần lên kịch bản kỳ vọng, và kết quả rõ ràng hơn dự kiến sẽ được nhìn thấy vào nửa đầu năm 2024.
Cụ thể với kịch bản lý tưởng, thị trường BĐS 2023 sẽ chứng kiến nguồn cung tăng, lãi suất giảm mạnh về mức dưới 10 – 12%, giá bán tăng nhẹ, tỷ lệ hấp thụ tăng khá từ 40 – 50%.
Ở kịch bản kỳ vọng, nguồn cung tăng nhẹ, lãi suất giảm nhẹ về quanh mức 11 – 13%, giá bán đi ngang, trong khi tỷ lệ hấp thu tăng 20 – 30%.
Cuối cùng, ở kịch bản thách thức, nguồn cung sẽ tiếp tục giảm thêm từ 20 – 30%, lãi suất tiếp tục giữ ở mức cao- trên 14%, giá bán giảm từ 10 – 20%.
DXS – FERI dự báo thị trường chuyển biến thể hiện sự giao thoa của kịch bản kỳ vọng và kịch bản thách thức, khi kịch bản lý tưởng được dự báo không xảy ra trong nửa cuối năm 2023.
Ba kênh đầu tư được ưu tiên chọn
Trong khảo sát của DXS– FERI về các kênh đầu tư khách hàng ưu tiên lựa chọn trong nửa cuối năm 2023, trong đó bất động sản, chứng khoán, vàng chiếm lần lượt là 30% – 25% – 20% câu trả lời.
Ngoài ra, 15% số người được hỏi chọn tiết kiệm là kênh đầu tư trong 6 tháng cuối năm và 5% lựa chọn hình thức đầu tư khác. Như vậy BĐS vẫn có sức hút đặc biệt đối với hầu hết các nhà đầu tư.
DXS – FERI cũng đã tiến hành khảo sát về lý do khách hàng chưa đưa ra quyết định mua BĐS. Kết quả, 34% cho biết đang chờ đợi giảm giá, chiết khấu sâu để ‘bắt đáy’, 26% ngại vay ngân hang do lãi suất cho vay còn đang neo ở mức cao, 15% lo về tính pháp lý dự án, uy tín CĐT, 13% đang chọn kênh đầu tư khác có lợi nhuận tốt hơn, 12% lý do khác.
Về loại hình BĐS nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng trong nửa cuối năm 2023, kết quả khảo sát cho thấy chung cư nhận được lựa chọn áp đảo với 73%, 15% lựa chọn nhà thấp tầng, đất nền 10% và BĐS nghỉ dưỡng chỉ chiếm 2% câu trả lời.
Đối với khung giá căn hộ khách hàng quan tâm, DXS – FERI khảo sát được, 82% câu trả lời từ khách hàng lựa chọn căn hộ có giá dưới 2,5 tỷ, 13% lựa chọn căn hộ từ 2,5 – 3,5 tỷ, chỉ có 5% lựa chọn khung giá trên 3,5 tỷ.
Kết quả khảo sát này cho thấy sự lựa chọn của khách hàng đang chuyển dịch mạnh mẽ về khung giá sản phẩm BĐS đáp ứng nhu cầu ở thực, giá vừa tầm.
Dự báo nửa cuối năm 2023, số đông nhà đầu tư vẫn sẽ duy trì trạng thái quan sát, không vội xuống tiền, tuy nhiên cũng đã xuất hiện nhu cầu mua bắt đáy BĐS. Nhu cầu ở thực luôn cao, nhưng khả năng chi trả đang ở mức rất thấp (thu nhập giảm sút, lãi suất vẫn neo ở mức cao); xu hướng chuyển từ mua BĐS sang thuê BĐS cũng được ghi nhận.