Tổng hợp tin bất động sản nổi bật tuần 12/12 – 18/12/2022 với những tin nóng về thị trường BĐS, Luật đất đai sửa đổi,…
Thủ tướng chỉ đạo tập trung gỡ khó cho thị trường BĐS
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở
Tại công điện nêu rõ: Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại và các chủ thể liên quan tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về tiết kiệm chi phí, giảm thủ tục hành chính, tăng cường số hóa để cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế; cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Đề xuất hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà dưới 1,8 tỷ đồng/căn
Tổng hợp tin bất động sản nổi bật tuần 12/12 – 18/12/2022, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách cho người mua nhà dưới 1,8 tỷ đồng để ở được vay với lãi suất hợp lý .
Theo đó, để khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án bất động sản, nhà ở (M&A) và để xử lý các dự án bất động sản, nhà ở bị “đắp chiếu” do chủ đầu tư yếu kém về năng lực, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ hai xem xét, cho phép các doanh nghiệp bất động sản chuyển nhượng dự án bất động sản được áp dụng Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội khóa 14 “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi dự án đã “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
HoREA lý giải, thực tế trong các năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại 9 – 10%/năm. Đề xuất này tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02 ngày 07/01/2013 của Chính phủ.
Về giải pháp trung hạn, dài hạn, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tập trung nỗ lực thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW với mục tiêu cụ thể, đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ 3/1-15/3/2023
Với 100% thành viên biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến sẽ được tiến hành từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023.
Về nội dung lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Đồng thời, đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về dự thảo Luật.
Về hình thức lấy ý kiến nhân dân, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc hình thức điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật do việc đánh giá tác động chính sách là một nhiệm vụ trong xây dựng hồ sơ dự án Luật, không nên gộp chung trong quá trình lấy ý kiến nhân dân. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xem xét tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để gia tăng khả năng tiếp cận dự thảo Luật và tính hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân.
Tín dụng nới room, tâm lý được đả thông, bất động sản kỳ vọng hồi phục
Quyết định nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã ngay lập tức có tác động tích cực về mặt tâm lý đối với thị trường bất động sản.
Hệ thống ngân hàng đã rà soát rất kỹ trong thời gian vừa qua, các hồ sơ vay trong giai đoạn này phải đáp ứng về mặt pháp lý và nhu cầu ở thực. Dòng vốn đi vào đời sống và sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản tương đối nhanh. Nguyên do là đa số các hồ sơ vay đã có sẵn, nên cũng không quá lo lắng khi cho rằng dòng tiền này sử dụng vào đầu cơ hay những chỗ rủi ro.
Quyết định nới room tín dụng ngay lập tức đã mang tín hiệu đáng mừng, đơn cử như lĩnh vực xây dựng. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng bất động sản và xây dựng là hai ngành có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Bất động sản phát triển sẽ thúc đẩy xây dựng phát triển và ngược lại.
Theo ông Hiệp, nới room tín dụng sẽ khiến thị trường bất động sản có chuyển động tích cực, quá đó tương hỗ cho nhà thầu yên tâm tiếp tục các công trình đang dở dang để cùng nhau vượt khó khăn, có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế.
Ở góc độ khác, nhận định về khả năng nợ xấu sau khi room tín dụng được nới thêm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, việc nới room tín dụng thời điểm cuối năm có thể gây khó khăn trong việc thu hồi nợ sau Tết. Tuy nhiên, NHNN cũng đã có lưu ý các ngân hàng, tổ chức tín dụng rằng việc nới room tín dụng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo các điều kiện để việc cho vay đi đúng chủ thể mà Chính phủ mong muốn và đảm bảo an toàn nợ vay. Các ngân hàng do đó phải tích cực xem xét, kiểm tra giám sát để phân loại nợ phù hợp và thu hồi nợ đầy đủ, đúng hạn.
Tổng hợp