Theo dõi bản bất động sản tuần 21/11 – 28/11/2022 của BĐS Bắc Bộ với những thông tin về quy hoạch, phát triển Thanh Hóa, Sầm Sơn,…
Thanh Hóa đón lượng du khách gấp 64 lần dân số địa phương, thu 14.000 tỷ từ du lịch
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, chiều 22/11, TP Sầm Sơn đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động du lịch năm 2022 và triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2023. Địa phương này đã ghi nhận những con số tích cực trong suốt 10 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, thành phố Sầm Sơn đón gần 6,9 triệu lượt khách, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, bằng 195,7% kế hoạch năm 2022. Thành phố đã phục vụ gần 14 triệu ngày khách, gấp 3,99 lần so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 169,3% kế hoạch năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 13.976,6 tỷ đồng, gấp 51,74 lần so với cùng kỳ năm 2021; cao gấp 1,8 lần so với kế hoạch năm 2022. Tính trung bình, mỗi tháng Sầm Sơn thu về gần 1.400 tỷ từ khách du lịch.
Du lịch Sầm Sơn cũng là lực đẩy đóng góp phần lớn vào thành công của du lịch toàn tỉnh Thanh Hóa. Thực tế, dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua, dù thời tiết không thuận lợi nhưng các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đón được tổng cộng 898.000 lượt du khách. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về bảng xếp hạng thu hút khách du lịch 9 tháng đầu năm, Thanh Hóa cũng đứng ở vị trí thứ 3 với hơn 10,38 triệu lượt, chỉ xếp sau Hà Nội và TP.HCM..
Năm 2023, TP Sầm Sơn đặt mục tiêu đón 7,25 triệu lượt khách, doanh thu đạt 15.518 tỷ đồng.
Thị trường hiện nay đang ở giai đoạn nào của một chu kỳ bất động sản?
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, bất động sản mang tính chu kỳ và mỗi chu kỳ đều có sóng. Tuy nhiên, chu kỳ bất động sản thường không ổn định, và chịu ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.
Bà Trang Bùi nhận định: “Bất động sản mang tính chu kỳ và mỗi chu kỳ đều có sóng. Nếu nắm bắt được chu kỳ thị trường, điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội. Giống như sự lặp đi lặp lại của các mùa, bất động sản sẽ dịch chuyển theo những biểu đồ mà bạn có thể quan sát và dự đoán. Tuy nhiên, chu kỳ bất động sản thường không ổn định, và chịu ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Chính vì vậy, thị trường bất động sản chuyển động theo tốc độ riêng và đây chính là thách thức thực sự đối với các nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, theo bà, đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm 2022, nhờ một loạt điều chỉnh chính sách quản lý Nhà nước có liên quan, nổi bật là: Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp; bổ sung nhiều đề án kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cả từ trung ương, địa phương và doanh nghiệp.
Thành phố Thanh Hóa xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, TP Thanh Hóa đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, tạo tiền đề cho công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh. Đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, gìn giữ và bảo vệ môi trường.
UBND TP Thanh Hoá đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 chỉ tiêu cây xanh toàn đô thị (bao gồm cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng) đạt được tối thiểu khoảng 7,5m2/người, đến năm 2035 tỷ lệ cây xanh toàn đô thị đạt chuẩn theo tiêu chuẩn đô thị loại I là 15m2/người.
Ngoài ra, để góp phần xây dựng đô thị xanh, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hoá cũng phê duyệt Đề án xây dựng thành phố Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện cơ bản các ứng dụng công nghệ thông tin cho đô thị thông minh, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại trong nhóm các đô thị đứng đầu cả nước.
Với 33 công viên, vườn hoa, quảng trường, tổng diện tích khoảng 153,4 ha. Thời gian tới, TP Thanh Hóa sẽ tiếp tục cải tạo nâng cấp các công viên nhằm nâng cao chất lượng và tăng hiệu quả sử dụng theo hướng hình thành công viên mở, bổ sung các tiện ích, lắp đặt hệ thống camera an ninh, cải tạo hệ thống hạ tầng, tổ chức lại hệ thống cây xanh cho phù hợp với từng khu vực cụ thể.
Quy hoạch 16 – 26% đất đô thị dành cho phát triển giao thông
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 130/BC-BXD báo cáo Quốc hội về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam, đặc biệt là ở các TP lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt 60%. Riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đô thị loại I đạt khoảng 80%; đô thị loại II, III, IV đạt 40 – 50%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng.
Tuy nhiên, theo đánh giá tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam vẫn ở mức thấp (đạt khoảng 40%); diện tích đất đô thị quy hoạch xây dựng giao thông thấp (đạt từ 5 – 10%); một số hạ tầng khác đang trong tình trạng thiếu hoặc quá tải. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứ, lập quy hoạch, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý đô thị đã đưa ra một số mục tiêu phấn đấu.
Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đến năm đạt tối thiểu 45%, năm 2030 trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên vào năm 2025: 1,5 – 1,9%, đến năm 2030: 1,9 – 2,3%.
Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2025: 11 – 16% vào, 16 – 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị 6 – 8m2 năm 2025, 8 – 10m2 năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tối thiểu 28 m2/người năm 2025, đến năm 2030 tối thiểu 32 m2/người.
Thanh Hóa: Tổng thu ngân sách Nhà nước trong 11 tháng tăng 20%
Theo báo cáo về kinh tế-xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2022, tổng thu Ngân sách Nhà nước của Thanh Hóa trong 11 tháng ước đạt 48.820 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay. Thành lập mới doanh nghiệp vượt 16,7% kế hoạch.
Báo cáo cũng đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, trong đó có một số chỉ tiêu chủ yếu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,0% trở lên; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% trở lên; công nghiệp-xây dựng tăng 14,2% trở lên (công nghiệp tăng 15,3% trở lên; xây dựng tăng 11,9% trở lên); dịch vụ tăng 9,6% trở lên; thuế sản phẩm tăng 9,8% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế nông, lâm, thủy sản chiếm 14,4%; công nghiệp-xây dựng chiếm 49,0%; dịch vụ chiếm 29,8%; thuế sản phẩm chiếm 6,8%. GRDP bình quân đầu người đạt 3.150 USD trở lên.
Tổng hợp