Tổng hợp tin bất động sản nổi bật tuần 05/12 – 11/12/2022

Tổng hợp tin bất động sản nổi bật tuần 05/12 – 11/12/2022 với những thông tin về thị trường BĐS, nới room tín dụng,…

Bất động sản kỳ vọng được “tiếp sức” khi ngân hàng nới room

Tổng hợp tin bất động sản nổi bật tuần 05/12 - 11/12/2022

Ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới room tín dụng thêm 1,5 – 2%. Nhiều thành viên trên thị trường kỳ vọng, các ngân hàng sẽ dành vốn cho những người mua nhà để ở thật, từ đó, thị trường nhà đất ít nhiều sẽ được “tiếp sức”.

Các chuyên gia cho rằng, bất động sản có mối liên hệ chặt chẽ với hàng hoạt các lĩnh vực kinh tế khác như xây dựng, vật liệu, nội và ngoại thất… Nhiều dự án dang dở, cần có nguồn tiền để tiếp tục hoàn thiện. Bởi vậy, các doanh nghiệp kiến nghị, các ngân hàng nên xem xét tạo điều kiện giải ngân cho những dự án hiệu quả cao, hướng tới người mua để ở thật, có khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để “xốc” lại thị trường bất động sản, không chỉ là tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng. Gốc rễ phải tháo gỡ được các vấn đề liên quan tới pháp lý. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản. Các doanh nghiệp kỳ vọng, đây sẽ là động lực để “khơi thông” cho thị trường này.

Cận tết doanh nghiệp địa ốc vẫn bung hàng giữa lúc thị trường tưởng chừng bất động

Cận tết doanh nghiệp địa ốc vẫn bung hàng giữa lúc thị trường tưởng chừng bất động

“Đi ngược” thị trường trong bối cảnh BĐS khó khăn, biến động tâm lý, một số doanh nghiệp địa ốc vẫn rục rịch dự án mới.

Giai đoạn này, người mua có nhiều băn khoăn trước khi quyết định xuống tiền. Tuy vậy, nhu cầu về BĐS còn khá lớn. Đặc biệt, ở các dự án căn hộ giá vừa túi tiền, mức độ quan tâm của người mua khá ổn định.

Động thái một số doanh nghiệp địa ốc vẫn bung hàng cận Tết, giữa lúc thị trường im ắng giao dịch, theo chia sẻ của những người trong cuộc đó là hành động “lấy đà” cho thị trường BĐS năm 2023. Đồng thời, một số doanh nghiệp có nguồn hàng quyết định chào bán giai ở đoạn này cũng là cách họ giữ chân nhân sự.

“Đi ngược” xu hướng chung của thị trường là cách doanh nghiệp tìm hướng đi mới trong thế khó. Đặt trong bối cảnh BĐS khan hiếm nguồn cung mới, người có sẵn tài chính vẫn còn nhiều… thì đây lại là cơ hội để doanh nghiệp có nguồn hàng BĐS chất lượng, uy tín, pháp lý chỉn chu tiếp cận được dòng tiền của người mua.

Cơ hội này có thể không bùng nổ như giai đoạn trước nhưng sẽ là “đà” để doanh nghiệp bước nhanh hơn khi thị trường BĐS phục hồi. Chưa kể, việc bung hàng trong giai đoạn khó khăn, khi cả thị trường ở trạng thái quan sát thì các thông tin dự án mới của các chủ đầu tư có thể sẽ được để ý nhiều hơn. Đây cũng là chiến lược “đi trước một bước” về thông tin để đón cơ hội tốt hơn từ thị trường.

Khởi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 trước Tết Nguyên đán 2023

Khởi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 trước Tết Nguyên đán 2023

Bộ GTVT vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp trực tuyến về kiểm điểm tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án (QLDA).

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong nội dung kết luận lần này chính là việc ấn định các mốc thời gian khởi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đối với 12 gói thầu khởi công năm 2022, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Ban QLDA khẩn trương thực hiện công tác chỉ định thầu, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải ngân vốn giải phóng mặt bằng đã bố trí năm 2022, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đáp ứng tiến độ khởi công 12 gói thầu/12 dự án thành phần trước ngày 31/12/2022.

Hé lộ lượng tiền dự báo đổ vào bất động sản từ dòng vốn vừa được nới room

Hé lộ lượng tiền dự báo đổ vào bất động sản từ dòng vốn vừa được nới room

Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước thông báo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho năm nay, với mức tăng 1,5-2%, tương đương 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định: Để tính toán lượng vốn sẽ được dành cho bất động sản, ông giả định lượng tỷ lệ vốn tín dụng bình quân dành khoảng 20% cho thị trường bất động sản, trong đó 67% cho vay mua nhà, 33% liên quan đến đầu tư, dựa trên các số liệu báo cáo trước đây.

“Nếu theo số liệu trên thì sẽ có 40.000 tỷ đồng trong khoảng 200.000 tỷ đồng (con số này chênh lệch so với công bố của Ngân hàng Nhà nước – PV) có thể dành cho thị trường bất động sản. Con số bình quân sơ bộ là như thế. Đây là lượng tiền rất lớn. Còn nhớ năm 2013 chúng ta có gói giải cứu bất động chỉ 30.000 tỷ đồng nhưng thị trường đã bứt phá”, ông Lực phân tích.

Động thái này, theo ông Lực, còn tạo ra niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng “xuống tiền” trở lại cũng như kích thích những dòng tiền khác.

Thanh Hóa đứng thứ 7 cả nước về tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2022

Thanh Hóa đứng thứ 7 cả nước về tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2022

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2022 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%), đứng thứ 7 cả nước sau các tỉnh, thành: Khánh Hòa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Hưng Yên và Cần Thơ.

Thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 48.820 tỉ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực đạt gần 1,6 triệu tấn, tăng 3,6% so với kế hoạch.

Tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 138.919 tỉ đồng, bằng 95,8% kế hoạch và tăng 0,9% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỉ đồng và 71,2 triệu USD.

Trong năm 2022 có 3.600 doanh nghiệp được thành lập mới, vượt 20% kế hoạch và tăng 12,28% so với cùng kỳ.

Tổng hợp