Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, tỉnh Thanh Hoá có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước. Cùng với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, khát vọng thịnh vượng và những nền tảng kinh tế – xã hội vững chắc tạo lập trong những năm gần đây, được coi là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư.
Năm 2021, trước bối cảnh u ám của dịch bệnh COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy, sản xuất trong nước nhiều thời điểm ngưng trệ khiến nhiều doanh nghiệp lao đao… Vậy nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, tỉnh Thanh Hóa đã tìm ra “cơ” trong “nguy”, lãnh đạo tỉnh đã kiên trì, kiên định, quyết liệt, sáng tạo chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh kiến tạo những cơ hội khác biệt với những lợi thế cạnh tranh rõ nét, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với nhà đầu tư.
Quan điểm của tỉnh là không chỉ đưa Thanh Hóa trở thành vùng đất an toàn, mà còn thực sự là “đất hứa” sinh lời nhanh của nhà đầu tư kể cả trong hoàn cảnh dịch bệnh. Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo ra các hạ tầng, dịch vụ thiết yếu cung cấp cho nhà đầu tư, tỉnh còn tập trung quyết liệt, cao nhất, trên hết, trước hết cho nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, lấy kết quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như một sự cam kết, kiến tạo nền tảng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, thôi thúc, thu hút thêm các nhà đầu tư.
Từ lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo các địa phương, các ngành, cơ quan chức năng đã tỏ rõ thiện chí mời nhà đầu tư đến với xứ Thanh bằng những việc làm thân thiện, cam kết trách nhiệm không chỉ đồng hành cùng doanh nghiệp đến khi được cấp phép đầu tư, mà còn cùng với doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất…. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã linh hoạt, chủ động bằng việc đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư, tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của Đan Mạch, Hungary, Nhật Bản, Ấn Độ, Cu Ba, Foxconn, AeonMall, SunGroup, VinGroup, Viettel, SamSung, BRG… nhằm giới thiệu, thu hút đầu tư, qua đó đã ký kết được nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng.
Với những nỗ lực, thiện chí của tỉnh Thanh Hóa, hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn đã đến tìm hiểu và không ngần ngại khi bỏ ra khoản tài chính lớn để đầu tư vào các dự án phát triển du lịch, dự án hạ tầng, dự án công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… Tiêu biểu phải kể đến là Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân tổng mức đầu tư 3.662 tỷ đồng của Tập đoàn T&T; Dự án Flamingo Hải Tiến tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa với tổng mức đầu tư 3.350 tỷ đồng của Flamingo Group; Dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Hải Hòa tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng của Công ty CP Hiền Đức Hải Hoà; Dự án Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng của Sun Group; Nhà máy Xi măng Đại Dương 2 tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng của ông ty Cổ phần Xi măng Đại Dương…
Để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế và tranh thủ tốt những thời cơ, vận hội, Thanh Hóa rất chú trọng đến công tác quy hoạch tạo không gian phát triển cho tỉnh bằng việc xác định 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế – xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
Nếu như năm 2020 – năm đầu tiên ứng phó với đại dịch COVID-19, tỉnh Thanh Hóa phải liên tục thay đổi kịch bản điều hành, phát triển kinh tế – xã hội để thích ứng với tình hình, thì năm 2021 tỉnh lại chuyển hướng sách lược trong chỉ đạo, quản lý bằng việc kiên trì không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021 đã được quyết nghị từ đầu năm và vận dụng sáng tạo quan điểm: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong tổ chức thực hiện. Từ đó đặt ra yêu cầu đối với UBND tỉnh, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh phải “Đồng tâm, đồng lòng, đồng sức, đồng bộ, đồng mục tiêu”, tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phù hợp với tình hình mới để thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021.
Từ sự đồng lòng, quyết tâm đó, cùng với việc quyết liệt, đồng bộ trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Thanh Hóa đã giữ được môi trường ổn định để phát triển, hoạt động đầu tư diễn ra sôi động, các doanh nghiệp yên tâm duy trì ổn sản xuất và tiếp tục mở rộng quy mô.
Vì vậy, trong năm 2021 đầy gian khó, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 87 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 23.800 tỷ đồng và 112,7 triệu USD. Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng với con số với 5,3 tỷ USD, vượt 33,5% kế hoạch, thu ngân sách đạt mức cao nhất từ trước đến nay với gần 40.000 tỷ đồng. Thanh Hóa cũng trở thành điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công, đứng thứ 2 cả nước và có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vươn lên đứng thứ 5 toàn quốc với con số 8,85%.
Trong những năm gần đây, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều nhà đầu tư cho biết họ chỉ có thể tiếp cận được điều đó khi đầu tư vào Thanh Hóa. Đây chính là một sự khác biệt, tạo ra sự hấp dẫn nổi trội khiến nhà đầu tư quyết định rót vốn vào xứ Thanh. Thậm chí có những nhà đầu tư quyết định chuyển hướng đầu tư từ nước khác về Việt Nam mà điểm đến chính là Thanh Hóa. Có những nhà đầu tư đã đầu tư ở địa phương khác trong nước nhưng vẫn quyết định đầu tư mở rộng trên địa bàn Thanh Hóa hoặc chuyển dần về Thanh Hóa.
Trong số những cơ chế, chính sách đã làm nên sức hấp dẫn nhà đầu tư có thể kể đến là: Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xuất – nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn; Chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi các cảng hàng không trong nước và quốc tế.
Đặc biệt là Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, đã giúp cho tỉnh có thêm 8 cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, mở ra dư địa, không gian phát triển mới mẻ và năng động hơn cho tỉnh. Đây là sự thể chế hóa cao nhất, sinh động nhất Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ đó tạo ra xung lực mới để tỉnh thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới. Tại Nghị quyết quan trọng này, ngoài những cơ chế, chính sách chung với các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng được ban hành cùng đợt, tỉnh Thanh Hoá có những chính sách đặc thù riêng. Điều đó cho thấy Trung ương đã thấy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh cũng như khả năng chuyển hóa thành thực tế. Yếu tố đó chính là những “điểm cộng” để nhà đầu tư nghiên cứu, xem xét, quyết định.
Có thể nói, những “tài nguyên” văn bản đã được thể chế hóa phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của tỉnh cũng như trên bình diện chung quốc gia và khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới mà tỉnh Thanh Hóa đang có, trên hết là một sự nghiêm túc, cầu thị, muốn làm bạn, làm đối tác, với tinh thần cùng nhau phát triển của tỉnh, đã tạo ra một hình ảnh Thanh Hóa năng động, hấp dẫn.
Sự nổi trội và khác biệt đó chắc chắn sẽ còn tiếp tục tạo ra điểm nhấn, điểm đến mới hấp dẫn cho nhà đầu tư, để nhà đầu tư cùng với tỉnh từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của tổ quốc như tinh thần Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Theo Báo Thanh Hóa