Điểm tin bất động sản nổi bật tuần 28/11 – 04/12/2022 với những thông tin về thị trường bất động sản, quy hoạch TP Sầm Sơn,…
Kiến nghị nới room tín dụng thêm 1-2%
Ngày 1.12, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xin nới trần tín dụng thêm 1% tại thời điểm then chốt hiện nay để bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Theo HoREA, hiện các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho 18 ngân hàng thương mại nhưng theo ước tính của các đơn vị nghiên cứu thì lượng tín dụng được phân bổ thực tế chỉ vào khoảng 175.000 – 200.000 tỉ đồng. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước còn giữ lại, chưa phân bổ khoảng 200.000 tỉ đồng và hiện giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1-2% nữa thì sẽ có thêm khoảng trên dưới 200.000 tỉ đồng được bổ sung vào nền kinh tế để giải “cơn khát vốn”, trong đó có thị trường bất động sản. Các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng dù phải chịu lãi suất vay cao hơn trước” – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết.
HoREA cũng kiến nghị chính sách tạo điều kiện cho chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê… của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.
Bất động sản vẫn thu hút 4 tỉ USD vốn ngoại
Điểm tin bất động sản nổi bật tuần 28/11 – 04/12/2022: Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, tính đến ngày 20.11, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 25,1 tỉ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4 điểm phần trăm so với 10 tháng và tăng 10,3 điểm phần trăm so với 9 tháng.
Trong đó, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa – chính trị toàn cầu song cũng đang dần được cải thiện, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng 18,9%. Đồng thời, điểm tích cực là vốn đầu tư giải ngân thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài đạt kết quả rất tích cực. Con số sau 11 tháng của năm 2022 là 19,68 tỉ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỉ USD. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỉ USD, tăng hơn 74% so với con số 2,4 tỉ USD vốn ngoại rót vào ngành bất động sản của cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy bất động sản Việt Nam vẫn đang thu hút sự quan tâm của khối ngoại.
Flamingo thuê đất làm dự án nghỉ dưỡng hơn 1.500 tỷ ở Thanh Hóa
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản chấp thuận cho CTCP Flamingo Holding Group nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án Flamingo Linh Trường khu B tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa.
Theo đó, diện tích được tỉnh chấp thuận là khu đất 39.544,2 m2, trong đó đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn theo quy định là 4.726,5 m2.
Mục đích sử dụng đất sau khi nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất là đất thương mại dịch vụ.
Dự án nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường Khu B tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa có tổng vốn đầu tư khoảng 1.570 tỷ đồng.
Flamingo Holding Group được thành lập từ năm 2005, tiền thân là CTCP Xây dựng và Thương mại Hùng Vương. Người đại diện theo pháp luật công ty gồm ông Trần Trọng Bình và bà Nguyễn Thị Hạnh.
Hiện tại, Flamingo Holding Group hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là bất động sản, dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch lữ hành và quy hoạch kiến trúc.
Flamingo Holding Group được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng như: Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc; 123ha) và Flamingo Cát Bà (Hải Phòng; 7,78ha); dự án Flamingo Hải Tiến (Thanh Hóa, quy mô 19ha, tổng mức đầu tư 3.350 tỷ đồng), Flamingo Thái Nguyên….
Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn đến năm 2040
Điểm tin bất động sản mới nhất: UBND tỉnh vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.
Theo đó, điều chỉnh cục bộ một phần (khoảng 4,1ha) lô đất có chức năng đất khách sạn – dịch vụ; diện tích 17,8ha, tầng cao 3-20 tầng; mật độ xây dựng 60 – 70% thành đất ở mới. Cụ thể, đất ở mới, diện tích 4,1ha; tầng cao 2 – 5 tầng; mật độ xây dựng gộp 40 – 60%.
UBND tỉnh yêu cầu khu đất ở mới phải có hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc cảnh quan đảm bảo khớp nối đồng bộ hài hòa với các khu dân cư hiện hữu lân cận; tuyến đường Nguyễn Du cải dịch và đường Hai Bà Trưng; thiết kế hiện đại với cơ sở hạ tầng đồng bộ, phân khu chức năng hợp lý. Khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan tại vị trí dọc các tuyến đường Nguyễn Du cải dịch và đường Hai Bà Trưng, yêu cầu thiết kế kiến trúc công trình hiện đại, đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động sinh hoạt và kinh doanh của người dân. Bố trí diện tích khuôn viên cây xanh và bãi để xe trong khu vực lập quy hoạch, tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nâng cao chất lượng đời sống cho dân cư khu vực.
UBND thành phố Sầm Sơn có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ quỹ đất quy hoạch xây dựng, quản lý việc xây dựng theo quy hoạch được duyệt; Hoàn chỉnh hồ sơ theo quyết định phê duyệt, tổ chức bàn giao hồ sơ, tài liệu Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 cho Sở Xây dựng, địa phương làm cơ sở để quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt; Tổ chức công bố rộng rãi nội dung điều chỉnh quy hoạch chung được duyệt chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được phê duyệt; Lập chương trình, dự án ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn, xác định các biện pháp thực hiện quy hoạch xây dựng trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, áp dụng các cơ chế chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đốc thúc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Văn bản do Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng ký nêu rõ, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt dự án đầu tư 12/12 dự án thành phần, trong đó tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án do UBND các tỉnh, TP thực hiện.
Hiện, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các Ban quản lý dự án, tư vấn và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công 12 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần trước ngày 31/12/2022 và dự kiến tổ chức triển khai 13 gói thầu còn lại từ ngày 15/1/2023.
Để công tác GPMB được triển khai đảm bảo tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT tải đề nghị UBND các tỉnh, TP quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án đáp ứng tiến độ khởi công các gói thầu.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT chỉ đạo các Ban quản lý dự án cử cán bộ có đủ thẩm quyền, thường trực tại hiện trường, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương có liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có) và tiếp nhận bàn giao mặt bằng, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Tổng hợp