Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị biển thông minh, hiện đại

Thanh Hóa có tiềm năng, lợi thế và cơ hội lớn để đưa các đô thị biển phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này cần phải khắc phục tính “mùa vụ” trong kinh doanh dịch vụ. Mặt khác, trong chiến lược phát triển kinh tế biển nói chung, du lịch đô thị biển nói riêng, tỉnh Thanh Hóa quan điểm nhất quán là không phát triển du lịch bằng mọi giá, mà thu hút đầu tư du lịch phải hướng tới phát triển bền vững du lịch, đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội, gìn giữ những giá trị truyền thống, văn hoá lịch sử, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước – doanh nghiệp – người dân…

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa.

LẤY DU LỊCH LÀ NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN, TRỤ CỘT TĂNG TRƯỞNG

PV: Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển du lịch nói riêng, kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thi: Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển chung của du lịch Thanh Hóa.

Theo đó, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, Ban, ngành Trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa, đẩy mạnh phát triển 3 loại hình mũi nhọn, gồm: Du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch di sản văn hóa; rà soát, bổ sung một số khu vực có tiềm năng phát triển du lịch vào danh mục khu du lịch quốc gia; xây dựng và triển khai các Đề án phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn…

Phát triển du lịch Thanh Hóa cũng là 1 trong 5 chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2016-2020; bước sang nhiệm kỳ 2020-2025, phát triển du lịch tiếp tục được xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Với sự định hướng này, Thanh Hóa đã đặt du lịch ở vị trí trung tâm, từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng, là 1 trong 5 trụ cột quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đây thực sự là thời cơ, vận hội mới cho du lịch xứ Thanh “cất cánh”.

Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị biển thông minh, hiện đại

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 58, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành chương trình hành động; UBND tỉnh ban hành quyết định về kế hoạch hành động, trong đó có nhiều nội dung, nhiệm vụ hỗ trợ, tạo động lực đột phá đẩy mạnh việc phát triển du lịch như: Hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2021-2030, ưu tiên vào các ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo, Đề án phát triển khu vực Cảng hàng không Thọ Xuân trở thành thành phố sân bay văn minh, hiện đại theo xu hướng thế giới; xây dựng và sớm hoàn thành tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, nâng cấp đường nối Quốc lộ 47B với Quốc lộ 45 để kết nối với phía Nam tỉnh Ninh Bình, đường nối từ TP. Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân và các huyện phía Tây; huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa như: Thành nhà Hồ, Lam Kinh, Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu…

PV: Thanh Hóa được xem là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là việc hình thành các đô thị biển thông minh, hiện đại, đẳng cấp. Tỉnh Thanh Hóa đã và đang khai thác những lợi thế này ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thi: Xác định được vai trò then chốt của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai thực hiện và ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy lợi thế vị trí địa lý, các giá trị tài nguyên để phát triển du lịch như: Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, 2021-2025… Trong đó, quan trọng nhất là việc hoàn thiện hệ thống quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, các tuyến giao thông trọng điểm, có tính kết nối cao đã và đang được triển khai nhằm hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại đảm bảo tính kết nối toàn diện giữa khu vực ven biển và vùng phụ cận.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền luôn quan tâm, đảm bảo quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng, công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng phục vụ nhân dân và du khách. Nhờ đó, đã tạo dư địa phát triển, môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, hình thành các đô thị biển mang tầm vóc quốc tế và khu vực như TP. Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn; các đô thị ven biển đang trong quá trình hình thành như: Hải Tiến (Hoằng Hóa), Tiên Trang (Quảng Xương), Diêm Phố (Hậu Lộc)…

PV: Nói đến thu hút đầu tư tại Thanh Hóa, đặc biệt là ở các đô thị biển không thể không nhắc tới các “ông lớn” như Vingroup, FLC, Sun Group. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các “đại bàng” đối với sự phát triển kinh tế nói chung, phát triển kinh tế du lịch ở Thanh Hóa nói riêng?

Ông Nguyễn Văn Thi: Nhờ được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh đã có những cơ chế, chính sách hợp lý, kịp thời, linh hoạt trong việc tổ chức khai thác và phát triển du lịch, trong giai đoạn vừa qua, du lịch tỉnh Thanh Hoá đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ và hiện đang nổi lên như một điểm sáng trong thu hút đầu tư du lịch của cả nước. Trong đó, có những dự án tiên phong trong việc đầu tư tổ hợp dịch vụ, vui chơi giải trí quy mô lớn, có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC tại TP. Sầm Sơn của Tập đoàn FLC; Khu tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn Vincom của Tập đoàn Vingroup, dự án khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn của Tập đoàn Sungroup…

Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị biển thông minh, hiện đại - Ảnh 1

Có thể khẳng định, các dự án nêu trên đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế nói chung và các khu đô thị du lịch biển ở Thanh Hóa nói riêng. Dự án đi vào hoạt động, không những làm thay đổi diện mạo các điểm đến, thương hiệu du lịch Thanh Hóa mà còn tạo hiệu ứng, thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch khác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực ven biển.

Đến nay, toàn tỉnh có 81 dự án kinh doanh du lịch được cấp phép đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 145.500 tỷ đồng. Riêng khu vực ven biển thu hút được 57 dự án với tổng giá trị khoảng 83.300 tỷ đồng, trong đó điển hình như các dự án: Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (4.969 tỷ đồng); Dự án Flamingo Linh Trường Khu B, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (1.570 tỷ đồng); Dự án khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân, Khu kinh tế Nghi Sơn (1.024 tỷ đồng); Dự án Khu du lịch Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa); Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch ven sông Mã (TP. Sầm Sơn)… Bên cạnh đó, khu vực này hiện có 730 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 33.800 phòng, trong đó có 141 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao.

Nhờ đó, kinh tế du lịch biển đã có bước phát triển nhanh, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội địa phương. Giai đoạn 5 năm gần đây (2016-2020), du lịch biển đón được hơn 28,4 triệu lượt khách, chiếm 73,76%, tổng lượt khách của cả tỉnh; tổng thu du lịch đạt 38.340 tỷ đồng, chiếm 76,9% tổng thu du lịch cả tỉnh.

PV: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, vậy tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị những gì để đón nhận “thời cơ vàng” trong thu hút đầu tư, làm bệ phóng, xây dựng các đô thị biển vươn tầm quốc tế, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thi: Với phương châm “Doanh nghiệp thành công – Thanh Hóa phát triển”, tỉnh Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón tất cả các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và quyết định đầu tư tại Thanh Hoá nói chung và đầu tư phát triển du lịch, góp phần hình thành các đô thị biển mang tầm vóc quốc tế nói riêng, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ những giải pháp để thực hiện.

Thứ nhất, khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đô thị du lịch biển nhằm định hướng khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế du lịch biển. Đến nay, đã có 29 quy hoạch du lịch khu vực ven biển được lập như: Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Sầm Sơn đến năm 2040; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch, đô thị ven biển huyện Quảng Xương đến năm 2035; các quy hoạch phân khu đô thị thực hiện Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050… tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị tài nguyên du lịch biển bền vững, làm cơ sở đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án kinh doanh du lịch, đẩy nhanh quá trình hình thành các đô thị du lịch biển hiện đại.

Thứ hai, tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối toàn diện giữa khu vực ven biển của tỉnh và vùng phụ cận. Đến nay, đã có 36 dự án hạ tầng đã và đang được triển khai (trong đó có 26 dự án đã hoàn thành) với tổng vốn đầu tư khoảng 9.600 tỷ đồng, đặc biệt là dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối với các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, cao tốc Nghi Sơn – Sao Vàng, đường giao thông từ biển: Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, Nghi Sơn kết nối với Quốc lộ 1A… đã tạo thuận lợi cho việc kết nối vùng, đẩy mạnh giao thương phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ ba, ban hành và tập trung nguồn lực thực hiện 6 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có chương trình phát triển du lịch. Chú trọng khâu đột phá về phát triển hạ tầng; khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng hấp dẫn; khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học – công nghệ… nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, cảng biển, hệ thống hạ tầng thông tin, điện nước, xử lý rác, nước thải, ứng dụng và chuyển giao công nghệ… Điều này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành các trung tâm đô thị kinh tế, trong đó có đô thị kinh tế khu vực ven biển.

Thứ tư, xây dựng và triển khai Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực du lịch đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn ORG, Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn T&T…

Thứ năm, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch trọng điểm như: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn; Khu du lịch sinh thái Tân Dân; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En; Flamingo Linh Trường B; Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương…

Thứ sáu, xây dựng và ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2027, trong đó đặc biệt tập trung thu hút đầu tư hình thành các khu du lịch phức hợp, dự án quy mô lớn, các trung tâm nghỉ dưỡng biển kết hợp với vui chơi giải trí cao cấp, hiện đại; hình thành các khu nghỉ dưỡng (resort) kết hợp hội nghị, hội thảo, bổ sung các dịch vụ bổ trợ phù hợp với tính chất nghỉ dưỡng, sinh thái như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, làm đẹp…

KHÔNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BẰNG MỌI GIÁ

PV: Nhắc đến du lịch Thanh Hóa, người ta nói nhiều đến Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, bởi những lợi thế về vị trí địa lý, sinh thái, cảnh quan và truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, muốn hình thành đô thị biển hiện đại, thông minh cần phải khắc phục tính “mùa vụ” trong kinh doanh, dịch vụ. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thi: Tôi đồng tình với nhận định trên. Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nghi Sơn là các bãi tắm đẹp, trong đó Sầm Sơn được vinh danh và trao tặng giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2017, là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, do chịu sự chi phối của khí hậu và thời tiết nên hoạt động du lịch biển diễn ra chủ yếu vào mùa hè (từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 9).

Do đó, để khắc phục tính hạn chế và thực hiện hoạt động du lịch 4 mùa, cần đẩy nhanh hơn nữa việc hình thành các đô thị biển hiện đại, thông minh. Bên cạnh đó, phải mở rộng loại hình du lịch ít phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và không mang tính mùa vụ, như du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, dịch vụ casino, du lịch giải trí với công viên chủ đề, công viên nước, khu liên hợp thể thao; xây dựng sản phẩm du lịch biển thực sự hấp dẫn, văn minh, hiện đại, sôi động, trở thành sản phẩm du lịch có quy mô, sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách, phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường, có khả năng đóng góp cao cho tổng thu về du lịch của tỉnh cũng như thúc đẩy phát triển các dòng sản phẩm du lịch khác.

Phát triển đa dạng các dịch vụ lưu trú và ăn uống từ các dịch vụ vừa túi tiền cho đến các dịch vụ cao cấp đáp ứng được hầu hết nhu cầu của các nhóm du khách, giúp thu hút đông đảo du khách đến tham quan; tiến hành xây dựng các trung tâm thương mại, hội nghị hội thảo, quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp tại Sầm Sơn, nhằm thúc đẩy lượng du khách trong nước và quốc tế; xây dựng theo quy hoạch các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại Hoằng Phụ, Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa; thu hút đầu tư xây dựng Hải Hoà với định hướng mô hình du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp du lịch biển đảo với cơ sở hạ tầng cho chăm sóc y tế chất lượng cao nhắm vào đối tượng khách du lịch từ các tỉnh phía Nam.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư để từng bước hình thành hệ thống các khu du lịch, dịch vụ cao cấp với các tổ hợp thể thao golf, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng biển, tắm khoáng cao cấp tại các khu du lịch: Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nghi Sơn. Bổ sung các sản phẩm du lịch sinh thái biển, du lịch cộng đồng tại các làng chài biển; thường niên các sự kiện du lịch biển, các chương trình nghệ thuật, hoạt động thể thao biển nhằm tăng sức hấp dẫn, khắc phục tính mùa vụ đối với du lịch biển.

Đặc biệt là quy hoạch, tổ chức lại hàng quán, hình thành các khu bán hàng lưu niệm, giải trí, ẩm thực, các hoạt động kinh tế ban đêm phục vụ phát triển du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch mới: tuyến du lịch đường sông (sông Mã, sông Đơ), cơ sở nghề truyền thống, các loại hình du lịch mạo hiểm như: lướt ván, thuyền buồm, khinh khí cầu… Ngoài ra, cần hợp tác chặt chẽ với các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh để tạo nhiều hơn nữa sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có chất lượng cao thông qua sự kết nối các tuyến, điểm du lịch liên vùng.

Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị biển thông minh, hiện đại - Ảnh 2
Không gian đô thị biển Sầm Sơn – Thanh Hóa

PV: Trong chiến lược phát triển du lịch, Sầm Sơn được xác định là “đầu tàu” du lịch. Cũng chính vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển TP. Sầm Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, đưa nơi đây trở thành đô thị du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện. Ông có kỳ vọng Nghị quyết này sẽ biến Sầm Sơn trở thành đô thị đáng sống, đáng đến, đồng thời sẽ tạo “cú hích” cho các khu đô thị biển khác trong tỉnh phát triển?

Ông Nguyễn Văn Thi: Tôi kỳ vọng Nghị quyết này sẽ thực sự làm thay đổi Sầm Sơn trong tương lai không xa.

Nhưng muốn làm được điều đó, trước mắt, Sầm Sơn phải thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tăng cường quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch, trọng tâm là phát triển 4 hành lang (hành lang cộng đồng, hành lang lễ hội, hành lang Sông Đơ, hành lang Đại lộ Nam Sông Mã) và 8 phân khu đô thị để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế – xã hội. Trên cơ sở quy hoạch, tập trung phát triển thành phố theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bảo đảm liên kết hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị bền vững; đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, tạo điểm nhấn. Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 100%.

Du lịch được xem là “át chủ bài” – trọng tâm phát triển của TP. Sầm Sơn. Do đó, phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, nhất là ngành du lịch theo hướng đa dạng, bền vững, chất lượng và giá trị cao, được xem là một giải pháp cơ bản. Trong bối cảnh du lịch đang từng bước phục hồi trở lại sau 2 năm khủng hoảng bởi dịch bệnh, trước mắt thành phố cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch, thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng đa dạng, hấp dẫn, độc đáo; xây dựng Sầm Sơn là thành phố lễ hội bốn mùa, với những chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc, hấp dẫn du khách. Phát triển các khu vui chơi, giải trí; tổ chức các hoạt động tìm hiểu và khám phá các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc đẹp tại đô thị Sầm Sơn và trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, thành phố cần hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, gắn với hệ thống cửa hàng bán đồ lưu niệm, bán các đặc sản vùng miền trong tỉnh, sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm nhằm phát huy lợi thế của đô thị du lịch; tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải đường bộ và đường thủy, mở các tuyến du lịch mới từ Sầm Sơn đến các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; phát triển dịch vụ logistics. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, điện lực, dịch vụ tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, đáp ứng yêu cầu của nhân dân và du khách. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên du lịch theo hướng chuyên nghiệp, giỏi nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Nâng cao năng lực quản trị, quản lý, điều hành khách sạn, nhà hàng, nhất là các khách sạn từ 3 sao trở lên theo chuẩn quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07, nhiệm vụ đặt ra cho chính quyền thành phố thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, các nút thắt về đất đai, về hạ tầng, về thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược, có năng lực và tiềm năng tài chính lớn.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, mở rộng không gian đô thị và tăng tính kết nối với các địa phương khác, nhất là các khu vực kinh tế động lực. Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn tập trung để đầu tư các công trình trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn, các công trình cấp bách. Xây dựng và phát huy tiện ích của hệ thống điều hành đô thị thông minh, gắn với xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế và xã hội số. Tăng cường liên kết với các huyện, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh, từng bước mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.

Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

PV: Người dân ấn tượng với con số thống kê về số lượng du khách và hiệu quả kinh tế về kinh doanh du lịch, đặc biệt là du lịch biển mang lại trong nhiều năm vừa qua. Nhưng có cảm giác như điều này là chưa đủ và chưa làm thỏa mãn lòng mong mỏi, kỳ vọng của lãnh đạo địa phương. Theo ông, để biến du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó trọng tâm là xây dựng các khu đô thị du lịch biển hiện đại, thông minh cần những giải pháp cụ thể ra sao trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Thi: Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu: Tập trung khôi phục hoạt động du lịch sau Đại dịch Covid-19; phát triển du lịch theo hướng bền vững, có tính chuyên nghiệp và chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2025, du lịch Thanh Hóa đón được 16 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch ước đạt 45.500 tỷ đồng; đồng thời đề ra định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng cao, đa dạng và đặc sắc, tập trung ưu tiên 3 loại hình sản phẩm du lịch mũi nhọn gồm: Du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch di sản văn hoá, tâm linh nhằm hướng tới thị trường khách có nhu cầu tiêu dùng cao cấp. Để đạt được mục tiêu và định hướng nêu trên, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, triển khai đạt kết quả các Nghị quyết của Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; chiến lược phát triển du lịch, đề án phát triển du lịch của tỉnh,…

Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị biển thông minh, hiện đại - Ảnh 3

Thứ hai, quy hoạch tái cấu trúc không gian du lịch ven biển, phát triển đa dạng ở cả 3 vùng: Không gian biển, đảo, ven biển; phát triển nhiều loại hình dịch vụ hiện đại, du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường và có trách nhiệm cao trong hoạt động khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp văn hóa bản địa… để cùng tạo ra các mô hình phát triển du lịch biển giá trị gia tăng cao hơn. Xây dựng và phát triển đô thị Du lịch Sầm Sơn thành trọng điểm quốc gia, hình thành đầu mối giao thương đạt tầm vóc khu vực và quốc tế, gắn với cảng nước sâu Nghi Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân.

Thứ ba, đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường ven biển tỉnh Thanh Hoá, các tuyến giao thông quan trọng nối các đô thị du lịch ven biển với các điểm đến du lịch trong và ngoài tỉnh như: Quốc lộ 1A, Cao tốc Bắc – Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hoá), Quốc lộ 45, 47, 217, đường mòn Hồ Chí Minh; đầu tư nâng cấp cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế và khai thác có hiệu quả hệ thống cảng nước sâu Nghi Sơn phục vụ phát triển du lịch; đồng thời nhanh chóng tập trung các nguồn lực kinh tế đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các điểm đến du lịch ven biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đồng bộ trên cơ sở tầm nhìn định hướng nêu trên, tạo sự bứt phá trong phát triển phát chuỗi đô thị du lịch ven biển của tỉnh.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư có trọng điểm, thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực đầu tư các dự án kinh doanh dịch vụ du lịch quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, dự án du lịch thân thiện với môi trường, du lịch xanh; tiến tới hình thành chuỗi đô thị nghỉ dưỡng biển ở cả 3 khu vực biển, đảo (đảo Mê, đảo Nẹ), ven biển; nghiên cứu thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, tạo sự hấp dẫn với khách du lịch như: Du lịch bằng đường biển (Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá – Sầm Sơn – Hải Hoà, đảo Mê, thị xã Nghi Sơn), du lịch Mice, du lịch đêm; mua sắm, chăm sóc sức khỏe…; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch bổ trợ cho du lịch biển như: Du lịch văn hoá, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án đầu tư phát triển du lịch biển, đặc biệt cần chuẩn hóa và quản lý tốt không gian kiến trúc cảnh quan các đô thị du lịch ven biển, đặc biệt về kiến trúc công trình, chỉ tiêu xây dựng, cây xanh kết nối các tuyến và khu vực trung tâm theo nguyên tắc nương tựa vào tự nhiên và không làm tổn hại đến các giá trị vốn có, các giá trị cảnh quan cần được bảo tồn, dành cho tự nhiên, không lấn át thiên nhiên; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; xây dựng kịch bản nước biển dâng để kịp thời điều chỉnh quy hoạch, kết cấu hạ tầng xây dựng nếu cần thiết.

Thứ sáu, cần xây dựng nền tảng phát triển kinh tế số cho đô thị thông minh. Khi xuất hiện Covid-19, đô thị du lịch biển chính là nơi lý tưởng để người dân bảo đảm an toàn về sức khỏe…

PV: Nếu coi du lịch là ngành mũi nhọn, thì hướng đi nào là bền vững nhất thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thi: Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán là không phát triển du lịch bằng mọi giá, mà thu hút đầu tư du lịch phải hướng tới phát triển bền vững du lịch, đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội, gìn giữ những giá trị truyền thống, văn hoá lịch sử, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước – doanh nghiệp – người dân…

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án du lịch sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng lớn, sử dụng đất đai, lao động hiệu quả. Khuyến khích và ưu đãi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào loại hình dịch vụ du lịch chất lượng cao, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm, du lịch thân thiện với môi trường.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Reatimes.vn