Liên tiếp đón nhiều dự án lớn với nhiều nghìn tỷ đồng rót vào đầu tư, tăng trưởng 6 tháng đầu năm tích cực, Thanh Hóa được nhắc đến như một “thỏi nam châm” trong hút vốn thời gian gần đây.
6 tháng đầu năm, Thanh Hóa tăng trưởng 8,66%, lọt top 3 tỉnh thành tăng trưởng cao nhất tại khu vực duyên hải miền Trung, một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao trên cả nước. Đặt trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lần thứ tư, mức tăng trưởng trên được cho là điểm sáng, trong bối cảnh tỉnh này cũng vừa phải chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Chia sẻ với Dân trí, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết kết quả tăng trưởng đó là nhờ sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, từ nhận thức đến hành động đều quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để chiến thắng dịch bệnh, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.
Ông Hưng nói, trong lãnh đạo và điều hành, tỉnh luôn đảm bảo tính bao quát, toàn diện nhưng lại có trọng tâm trọng điểm. Tỉnh xác định rõ nhiệm vụ trước mắt, cũng như lâu dài, gắn với cá thể hóa, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân. Chẳng hạn như trong phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý mọi công việc, xác định phòng dịch là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài, với mục tiêu tối thượng và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
“Vì vậy, chúng tôi đã chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra với tinh thần không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Tỉnh coi trọng nhận diện từ xa, từ sớm, từ cơ sở để chỉ đạo triển khai các biện pháp phù hợp với từng địa bàn, bảo đảm từng địa phương an toàn, toàn tỉnh an toàn và có điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội“, ông Đỗ Trọng Hưng nói.
Việc kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương cũng được tăng cường chẳng hạn như kiên quyết thay thế, bố trí lại những cán bộ năng lực yếu kém, thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm trong công việc. Những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc thì được biểu dương, khen thưởng; khơi dậy tinh thần lao động, khát vọng cống hiến trong mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân.
Ngoài tăng trưởng, Thanh Hóa còn đang nổi lên như một điểm sáng thu hút đầu tư với những mối quan tâm từ những tên tuổi doanh nghiệp lớn.
Cuối tháng 1, Tập đoàn AVG Capital Partners (Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án tổ hợp chế biến thịt lợn với quy mô đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD. Trước đó, không ít “đại bàng” ngoại cũng dành sự quan tâm với địa phương này.
Bất chấp đại dịch, không khó để thấy những động thái vận động không ngừng của Thanh Hóa trong thu hút đầu tư. Trong đợt dịch năm 2020, ngay khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội thì tháng 6/2020, Thanh Hóa tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh với 19 dự án có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 15 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD được ký Biên bản ghi nhớ.
Không chỉ các “đại bàng” nước ngoài, Thanh Hóa cũng vừa ghi nhận một loạt các dự án trong nước với quy mô nhiều nghìn tỷ đồng. Vừa qua, tỉnh đón hàng loạt dự án mới đầu tư vào lĩnh vực đô thị, khu công nghiệp… Trong số hàng loạt dự án này, có nhiều dự án cả nghìn tỷ đồng, thậm chí là đại dự án chục nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với Dân trí, GS, TSKH. Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới – cho rằng, với việc tận dụng những lợi thế, quy tụ những dự án tầm cỡ, Thanh Hóa đang đứng trước thời cơ tuyệt vời để vươn mình trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, tâm điểm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí của miền Trung. Tiềm năng khai thác kinh tế biển là lợi thế vô cùng lớn không chỉ cho du lịch mà còn giao thương, phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ trở thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, hình thành một tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc.
Không chỉ dừng ở việc phát triển riêng cho Thanh Hóa, thúc đẩy địa phương có vị thế quan trọng này, theo ông Lược, sẽ còn góp phần thúc đẩy, lan tỏa cho phát triển của miền Trung cũng như cả nước.
“Có thể thấy trong số hàng loạt dự án mới đầu tư tại Thanh Hóa có nhiều dự án cả nghìn tỷ đồng, thậm chí là đại dự án với nhiều nghìn tỷ đồng. Tôi cho rằng sắp tới luồng đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào Thanh Hóa còn lớn nữa khi hạ tầng nơi này ngày càng phát triển, giao thông thuận lợi hơn, cùng với đó nhiều lợi thế, tiềm năng được khai phá“, ông Lược nhận định.
Đề cập tới mục tiêu Thanh Hóa sẽ phát triển trở thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, ông Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa – cho Dân trí biết việc Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 58 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh.
“Đây là lần đầu tiên Thanh Hóa được Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng cho tỉnh. Điều này thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của Trung ương đối với những đóng góp của tỉnh trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc“, ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo ông, Nghị quyết này đã mở ra cho tỉnh Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới, để tỉnh tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, phát triển đột phá trở thành cực tăng trưởng mới, cộng hưởng, lan tỏa, kết nối, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.
Theo ông Đỗ Trọng Hưng, Thanh Hóa có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, quân sự rất quan trọng; đất đai rộng lớn. Tỉnh cũng hội tụ đủ 3 vùng sinh thái, trong đó miền núi là sự nối dài của vùng Tây Bắc bộ, vùng đồng bằng lớn nhất Trung bộ, đất liền nhìn ra Vịnh Bắc bộ. Tỉnh có bờ biển dài, bãi biển đẹp, nguồn nhân lực dồi dào; con người cần cù, sáng tạo, có ý chí khát vọng vươn lên…
Hiện tỉnh có Khu kinh tế Nghi Sơn – một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước, với những ưu đãi đầu tư thuận lợi nhất Việt Nam. Khu kinh tế gắn với cảng nước sâu Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp. Hệ thống giao tại đây thông thuận lợi, bao gồm đầy đủ các loại hình, có cảng biển nước sâu, cảng hàng không Thọ Xuân, đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam và những trục tuyến giao thông quan trọng quốc gia đi qua.
Môi trường đầu tư kinh doanh, thể chế kinh tế, cơ chế, chính sách của tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Cải cách hành chính được tăng cường. Tập thể lãnh đạo quản lý, điều hành của tỉnh năng động, quyết liệt, quyết đoán, sẵn sàng hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, các doanh nghiệp…
Bí thư Thanh Hóa nhấn mạnh, đây chính là những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để Thanh Hóa đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc.
Từ một góc nhìn chuyên gia, ông Võ Đại Lược cùng chung nhận định Thanh Hóa có nhiều lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đất đai (diện tích lớn thứ 5 cả nước), con người (đông dân đứng thứ 3 cả nước)… để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Có thể thấy, Thanh Hóa là một trong ít địa phương đầy đủ các loại địa hình, hệ sinh thái… trong phát triển các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên ông Lược cho rằng, Thanh Hóa nhiều năm qua vẫn chưa phát huy hết tiềm năng…
Trong bối cảnh chịu tác động của Covid-19, việc cải thiện trong tăng trưởng cho thấy sự những chiều hướng tích cực. Tuy nhiên GS. Võ Đại Lược cho rằng, với những tiềm năng mà Thanh Hóa đang có, kỳ vọng và dư địa tăng trưởng sẽ lớn hơn.
Những năm gần đây, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa cũng được đánh giá cao khi đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, điều đó đã chứng minh những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Lược nhận định, với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thì kết quả đạt được chưa tương xứng, một số chỉ số thành phần còn ở mức thấp. Năm 2020, PCI của Thanh Hóa đạt 63,91 điểm, đứng thứ 28 cả nước và thuộc nhóm khá. Trong nhiều năm liên tiếp vẫn nằm ngoài top 20, việc cải thiện chỉ số PCI của tỉnh chưa ổn định.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, chia sẻ, cùng với những khó khăn chung của cả nước, hiện Thanh Hóa cũng “vấp” phải một số vấn đề như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế; xuất phát điểm kinh tế thấp, nguồn lực còn hạn hẹp so với yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển; thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường…
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa nhắc tới nhiều mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện chiến lược, kế hoạch “dọn ổ đón đại bàng”, trải thảm cho nhà đầu tư đến, khai thác tốt dư địa tăng trưởng.
“Mục tiêu đã rõ, đường lớn đã mở, chúng tôi xác định điều quan trọng nhất, then chốt nhất quyết định thành công đó chính là đội ngũ cán bộ. Phải làm tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, toàn tâm, toàn ý, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì sự phát triển của tỉnh. Có như vậy mới thực hiện thắng lợi được Nghị quyết”, ông Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng cũng thông tin, tỉnh đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế cho Thanh Hóa bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, xem xét, ban hành.
“Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới và trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19; quán triệt quan điểm “ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định”, tỉnh đã và đang tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh…“, ông Hưng chia sẻ về những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện “nội lực” để hấp dẫn “ngoại lực”.
Dưới góc nhìn một chuyên gia chuyên gia kinh tế, GS. Võ Đại Lược cũng đồng tình cho rằng vấn đề cải thiện nội lực rất quan trọng. Nội lực ở đây cũng chính là vấn để hiểu những lợi thế của mình trong thu hút đầu tư, theo GS. Lược. Trước hết, lãnh đạo tỉnh cần rà soát lại toàn bộ những lợi thế, tiềm năng nhất của mình. Từ những tiềm năng lợi thế đó đưa ra danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào. Cân nhắc việc tổ chức hội nghị diễn đàn đầu tư vào Thanh Hóa (tùy vào diễn biến của dịch thời điểm đó có thể tổ chức online).
“Hiện nhiều địa phương trên cả nước đều nỗ lực trong việc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư. Việc tung ra các chính sách thu hút không nên đơn thuần về thuế má mà cần hấp dẫn doanh nghiệp bằng vấn đề hỗ trợ hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường ổn định, minh bạch…”, ông Lược lưu ý.
Một vấn đề theo ông Lược, nói mãi vẫn cần đó là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư. Không chỉ là minh bạch, ổn định mà còn cần năng động, sáng tạo. Vấn đề này không giới hạn trong một lĩnh vực, một công đoạn nào mà là toàn bộ quá trình điều hành và đồng hành với doanh nghiệp. Cần tạo được áp lực thực thi cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh từ cấp huyện, thành phố xuống cấp xã…
“Ngoài nhìn vào điều kiện tự nhiên, địa lý thì doanh nghiệp rất quan tâm đến thái độ, sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh. Tôi từng giới thiệu một số doanh nghiệp Nhật Bản đi tìm hiểu đầu tư, đến một số tỉnh thì họ rất thích nhưng còn một số nơi thì “lắc đầu” sau khi tiếp xúc với lãnh đạo“, ông Lược kể lại.
Cũng theo chuyên gia này, việc phát triển cũng nên dựa trên xác định ngành mũi nhọn. Du lịch Thanh Hóa những năm qua đã đạt được nhiều thành quả rất đáng khích lệ và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, ông Lược cho rằng việc du lịch phát triển còn khó khăn và chưa tương xứng với tiềm năng. Cách làm du lịch cần thay đổi về tư duy, cách làm.
“Ngoài du lịch thì khai thác các dịch vụ đi kèm để tạo thêm giá trị gia tăng, công ăn việc làm. Du lịch ở Thanh Hóa cũng như một số tỉnh miền Bắc còn bị phụ thuộc bởi yếu tố mùa vụ. Nên đẩy mạnh được việc phát triển các resort nghỉ đông hoặc phát triển danh lam thắng cảnh, du lịch theo chuỗi. Với nhiều lợi thế từ vị trí, cảnh quan, khí hậu đến văn hóa, ẩm thực…, tôi cho rằng Thanh Hóa hội tụ đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến hút khách suốt 4 mùa”, ông Lược chia sẻ.
Còn về sản xuất công nghiệp, GS. Lược cho biết, Thanh Hóa cũng có tiềm năng phát triển tốt với dân số đông, đất đai rộng lớn, có cảng biển… Thanh Hóa nên đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp kiểu mới, có nghĩa là làm theo chuỗi giá trị thay vì “hổ lốn”.
“Tức là một khu chỉ có dệt may da giày hoặc một khu toàn chế biến chế tạo…. Hiện nay trên thế giới đều đi theo hướng phát triển khu công nghiệp theo chuỗi giá trị để tận dụng lợi thế, tiện lợi đủ đường. Việc thu hút đầu tư cũng nên công bằng, không nên ưu ái “đại bàng” nước ngoài mà “bỏ quên”, “thờ ơ” doanh nghiệp trong nước.
Theo ông, Thanh Hóa cũng có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của Quảng Ninh – một trong những địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt trong những năm gần đây. Việc quy hoạch tỉnh cũng có thể tính toán cân nhắc thuê tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để làm, ông Lược nhấn mạnh.
Bí thư Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng chia sẻ, 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2026 nên tỉnh đặt nhiều kỳ vọng. Ngay cả trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, tỉnh vẫn quyết định không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu của năm nay, vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu kép. Những con số mục tiêu được đặt ra là tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm 12,8% trở lên, cả năm đạt 11% trở lên, cùng với đó là các chỉ số khác về xuất khẩu, thu ngân sách…
Những nhóm giải pháp được áp dụng, theo ông Hưng, mang tính đồng bộ, tập trung vào 5 điểm chính. Thứ nhất là tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả “mục tiêu kép”: rà soát chủ động và sẵn sàng lên các phương án, kịch bản cho mọi tình huống, huy động toàn dân tham gia phòng chống dịch, tối đa nguồn lực để tiếp cận vắc xin Covid-19, sớm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất, tiến tới bảo đảm miễn dịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ hạng PCI, tập trung đơn giản hóa, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân…
Thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh việc vận động, xúc tiến đầu tư vào tỉnh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài sau đại dịch Covid-19 được khống chế. Tỉnh cũng tăng cường theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách trong sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, không để gián đoạn sản xuất.
Hai yếu tố cuối cùng là nâng cao chất lượng các hoạt đột văn hóa xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, an ninh trật tự…, chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng và quản lý điều hành của chính quyền các cấp. “Đây chính là nhân tố quan trọng, quyết định đến việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ”, lời Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Theo dantri.com.vn
Comments are closed.