Ngày 2/10/2021 vừa qua, Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) tổ chức công bố Báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam Quý III/2021. Chương trình đã thu hút 200 đại biểu tham gia trực tiếp qua ZOOM và gần 2.000 người xem Livestream trên cả nước.
Là sự kiện thường xuyên được tổ chức bởi Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tuy nhiên Báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam trong Quý III/2021 của VARS được diễn ra ở giai đoạn rất đặc biệt, khác thường bởi gần như toàn bộ thời gian được báo cáo nằm trong giai đoạn của đợt dịch Covid 19 lần thứ 4 tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phương thức Báo cáo cũng được VARS triển khai theo cách hoàn toàn mới với việc trực tiếp tại nhiều điểm cầu trên cả nước. Các báo cáo viên tại các điểm cầu đều là những người trực tiếp hoạt động kinh doanh bất động sản, nắm bắt sâu sắc tình trạng của thị trường khu vực.
Mở đầu Chương trình, Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Thường trực/Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, kể từ ngày 27/04/2021, Việt Nam đón nhận đợt dịch Covid 19 lịch sử, lần thứ 4 và kéo dài hết tháng 9/2021. Đợt dịch lần này bùng phát lây lan, truyền nhiễm trên diện rộng, nhiều tỉnh/TP phải giãn cách xã hội đã làm thị trường giao dịch bất động sản không tránh khỏi ảnh hưởng.
Tại Hà Nội, đại diện tổ công tác nghiên cứu thị trường khu vực, Ông Nguyễn Chí Nghĩa – Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết: “Nguồn cung ở Hà Nội tiếp tục nằm ở mức thấp nhất so với cùng kỳ các kỳ trước trong đó chủ yếu là sản phẩm chung cư, chiếm đến 87,3% tổng cung. Sản phẩm căn hộ bình dân ngày càng khan hiếm tại thị trường Hà Nội Quý III chỉ đạt có 3,5 % tổng lượng cung và nằm ở xa khu trung tâm.”
Mặc dù giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ nhưng vẫn ghi nhận số lượng giao dịch tương đối tốt và đưa tỷ lệ hấp thụ đạt gần 30%. Thành tích này có được là nhờ sự nỗ lực trong đổi mới cách tiếp cận của lực lượng môi giới bất động sản, các sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội.
Tại Miền Tây Nam Bộ, Ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Cần Thơ, đại diện tổ công tác nghiên cứu thị trường của Hội tại khu vực cho biết: Nguồn cung thu hẹp, chỉ bằng khoảng 1/5 so với Quý II do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động bán hàng trực tiếp không thể thực hiện; các Chủ đầu tư cũng không có ý định tung sản phẩm mới trong giai đoạn này.
Nguồn cung chủ yếu là các dự án chào bán từ các Quý trước, gần như không có dự án mới chào bán. Lượng giao dịch thành công trong Quý III đạt hơn 500 sản phẩm, đạt tỉ lệ hấp thụ khoảng 25%. Các dự án giao dịch tốt đa phần là phân khúc thấp hoặc trung, dao động từ 700 triệu đến hơn 1 tỷ/sản phẩm, chủ yếu là đất nền, nhà ở riêng lẻ, chung cư. Vị trí dự án gần khu công nghiệp, gần trung tâm, quốc lộ… dễ giao dịch hơn các sản phẩm giá cao.
Tại khu vực Trung du Bắc bộ, Ông Lê Đình Chung- Phó Tổng giám đốc HẢI PHÁT LAND, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường cho biết: Về nhà ở, thị trường chủ yếu là hàng tồn của các dự án đã mở bán từ trước. Số lượng giao dịch đạt 2.923 giao dịch thành công và tỉ lệ hấp thụ trong Quý đạt xấp xỉ 41,1%. Tuy nhiên, bất chấp những tác động từ dịch bệnh, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực đến từ hoạt động đầu tư nước ngoài và sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Điểm sáng thị trường Trung du trong Quý III tới từ Bắc Ninh và Bắc Giang, là hai địa phương có dấu hiệu hồi phục tích cực nhất. Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư tới 2 thị trường Bắc Giang, Bắc Ninh tăng lần lượt 26% và 7% so với quý trước.
Tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, Ông Võ Hồng Thắng – Trưởng phòng R&D Công ty DKRA Việt Nam, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường của Hội cũng cho biết nguồn nguồn cung mới và lượng tiêu thụ cũng đều có sự sụt giảm so với quý trước, giao dịch trên thị trường thứ cấp giảm mạnh. Cục bộ thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư cắt lỗ, giảm giá bán để nhanh chóng thu hồi vốn.
Tại các khu vực khác cũng được các đại diện tổ công tác nghiên cứu thị trường của Hội trực tiếp báo cáo về tình hình BĐS trong khu vực.
Đánh giá chung về tình hình thị trường bất sản cả nước, Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội nhấn mạnh:
Về bất động sản nhà ở: Toàn bộ nguồn cung trên thị trường bất động sản đa phần hàng tồn từ các Quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiệu cải thiện. Số lượng nguồn cung trên toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Bất động sản vẫn dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư ngay cả trong dịch bệnh. Đặc biệt là các dòng sản phẩm đất nền bởi đây luôn được coi là nơi lưu giữ tài sản an toàn và tiềm năng tăng giá cao. Khách hàng, nhà đầu tư bắt đã dần quen với việc tham dự các buổi chào bán, giới thiệu sản phẩm qua hình thức online, tuy tỷ lệ đăng ký đặt mua qua hình thức này chưa cao nhưng cũng tăng cao hơn so với thời điểm trước.
Về bất động sản Du lịch – Nghỉ dưỡng: Mặc dù trong thời gian qua, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng gần như tê liệt vì giãn cách xã hội, nhiều cơ sở du lịch không có doanh thu. Tuy nhiên, các dự án phát triển bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan. Lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường trong Quý III đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2,280 sản phẩm tương đương tỷ lệ hấp thụ 31,6 %. Một số tỉnh/TP ghi nhận có sản phẩm chào bán gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc… Trong đó, Quảng Ninh là khu vực có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất.
Thông qua báo cáo lần này, Ông Đính hi vọng sẽ giúp các tổ chức, cá nhân, khách hàng, nhà đầu tư, đặc biệt là cả các cơ quan QLNN nắm bắt được tình hình và diễn biến của thị trường BĐS Việt Nam trong Quý III/2021 để có những chính sách, giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo VARS