Các phương thức và quy định về huy động vốn theo quy định của Pháp luật. Qua tìm hiểu tình hình thực tế hiện nay, BĐS Bắc Bộ nhận thấy có một số Chủ đầu tư vì một lý do nào đó chưa đủ điều kiện để mở bán nhà ở hình thành trong tương lai, dẫn tới việc các CĐT sẽ “lách luật” sang nhiều phương thức khác như: hợp đồng huy động vốn, hợp đồng đặt chỗ, giữ chỗ,… bản chất đây là cách thức để Chủ Đầu tư huy động thêm vốn, tiếp tục triển khai xây dựng dự án hay sử dụng vốn phục vụ cho mục đích hoạt động kinh doanh của mình.
Câu hỏi đặt ra là liệu rằng những cách thức “lách luật” đó có hợp pháp hay không? Có rủi ro cho người đầu tư hay không? Đứng trên phương diện pháp lý, BĐS Bắc Bộ xin trình bày quan điểm, phân tích và làm rõ những thắc mắc trên như sau:
1. Những phương thức huy động vốn hợp pháp cho dự án phát triển nhà ở thương mại được quy định cụ thể tại Điều 69 Luật Nhà ở, bao gồm:
– Vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
– Vốn huy động thông qua hình thức bán/cho thuê/cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai có thu tiền trả trước của người mua/người thuê/người thuê mua.
– Vốn huy động thông qua hình thức vay từ tổ chức tín dụng/tài chính hoạt động tại Việt Nam.
2. Các phương thức huy động vốn này phải tuân thủ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, gồm có:
a. Phương thức huy động vốn (1): Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; cấm chủ đầu tư áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn.
b. Phương thức huy động vốn (2): Chủ Đầu tư phải đáp ứng đủ các điều kiện và hình thức về mua bán nhà ở hình thành trong tương lại. Ngoài ra, việc thanh toán trong mua bán nhà ở hình thành trong tương lai còn phải tuân thủ quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản như sau:
– Thanh toán lần đầu tiên không được vượt quá 30% giá trị Hợp đồng.
– Tổng những lần thanh toán tiếp theo không được vượt quá 70% (50% đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) giá trị Hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà.
c. Phương thức huy động vốn (3): Chủ Đầu tư phải đáp ứng các điều kiện theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng với các tổ chức tín dụng/tổ chức tài chính hoạt động tại Việt Nam
Với những thông tin chia sẻ nêu trên, BĐS Bắc Bộ hy vọng những nhà đầu tư tương lai có thể lưu ý và tỉnh táo trước khi ký Hợp đồng – dù là với bất kỳ tên gọi hay hình thức nào kể cả Hợp đồng mua bán – với Chủ Đầu tư. Bởi vì rất có thể những Hợp đồng mà mình chuẩn bị đặt bút ký vào lại hoàn toàn trái pháp luật. Nếu ký kết những Hợp đồng như vậy, sẽ không có bất kỳ chế tài nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư nếu có rủi ro/tranh chấp xảy ra, quá trình kiện tụng trong những trường hợp như vậy là rất phức tạp và thường kéo dài, gây tâm lý mệt mỏi và ức chế cho chính bản thân người trong cuộc.
Mọi thông tin chia sẻ, thắc mắc và ý kiến đóng góp xin vui lòng gửi lại qua địa chỉ mail: info.bb@dxmb.vn