Dù gặp những khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn.
Chính phủ đang có các động thái quyết liệt hơn thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục. Việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng được đánh giá là có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản, sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của bất động sản trong các năm tới.
Theo dự báo của hầu hết các chuyên gia, thị trường bất động sản vẫn sẽ là “vùng trũng” hút dòng tiền trong năm 2022. Trong năm tới, thị trường bất động sản sẽ nhận được nhiều tín hiệu và xung lực tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng. Cụ thể, một số dòng vốn lớn được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản gồm vốn vay ngân hàng, vốn doanh nghiệp huy động trực tiếp trên thị trường thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh dòng vốn tự thân của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công cũng được cho sẽ tạo xung lực tích cực trực tiếp và gián tiếp làm tăng quy mô và định hướng dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản.
Dự báo năm 2022 sẽ có sự gia tăng đột biến dòng vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản gắn với sự phục hồi của du lịch, gia tăng xu hướng tái cơ cấu các chuỗi cung ứng công nghiệp trong khu vực cũng như kế hoạch triển khai hàng loạt dự án bất động sản lớn trên cả nước như các thành phố thông minh khi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới thành lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, dòng tiền đang và sẽ tiếp tục quy tụ vào các sản phẩm nghỉ dưỡng, đô thị ven đô và ven biển quy mô lớn, nhiều tiện ích, đa công năng và phong phú chủng loại sản phẩm cũng như vào các dự án phát triển các sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu “đô thị trong đô thị” có môi trường xanh, lành mạnh và những khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nằm gần các dự án hạ tầng trọng điểm…
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, bất động sản công nghiệp năm 2021 vẫn duy trì sự sôi động và là phân khúc sáng nhất so với các phân khúc khác trên thị trường bất động sản. Trong năm 2022, nhiều khả năng phân khúc này sẽ tiếp tục tỏa sáng. Sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết đã làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước. Các khu công nghiệp mới đã được quy hoạch hoặc xây dựng trên khắp các tỉnh thành Bắc, Trung, Nam để đáp ứng nhu cầu này dẫn đến thị trường bất động sản công nghiệp bùng nổ trong thời gian qua bất chấp dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các dịch vụ nhà xưởng, kho bãi, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ hậu cần, logistics cũng hứa hẹn tiềm năng lớn.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, thị trường Việt Nam vẫn còn một số điểm cần khắc phục để tăng tính cạnh tranh so với các thị trường trong khu vực như hệ thống cơ sở hạ tầng, chi phí logistics hay một số thủ tục hành chính. Nếu các vấn đề này được giải quyết, thị trường Việt Nam sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư lớn.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, bất động sản nhà ở tại các khu vực vùng ven TP.HCM và Hà Nội là phân khúc đáng được cân nhắc trong năm 2022. Cụ thể, các sản phẩm với giá thành phù hợp, chất lượng không gian sống và tiện ích cao sẽ là những lựa chọn hợp lý về đầu tư lâu dài.
Báo cáo thị trường quý 3/2021 của nhiều đơn vị nghiên cứu cho thấy, thị trường bất động sản chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khiến bức tranh chung khá ảm đạm. Tuy nhiên, dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, giá bất động sản tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác vẫn không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính.
Hiện nay, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.
Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, lại không am hiểu về chứng khoán sẽ có xu hướng rót vào bất động sản, kênh đầu tư vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong dài hạn. Tâm lý nhà đầu tư với thị trường bất động sản hiện tại vẫn là tin tưởng vào sự phục hồi.
Dù gặp những khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Hiện thị trường bất động sản đang dần sôi động trở lại với các hoạt động mở bán của các doanh nghiệp, sự tham gia của các nhà đầu tư.
Cũng dự báo về thị trường bất động sản năm 2022, ông Nguyễn Hoàng, giám đốc R&D DKRA Vietnam cho hay, ở thời điểm hiện tại, giả định rằng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và chúng ta đã xác định sống chung với Covid-19, các hoạt động kinh tế – xã hội – du lịch sẽ từng bước phục hồi. Năm 2022, dự báo GDP của Việt Nam có thể lên đến 6,5 – 7,5%, tương đương mức GDP của năm 2019 trở về trước. Qua đó, thị trường bất động sản có thể diễn biến theo hướng như: Nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua được duy trì ổn định như quý 4/2021, có thể sẽ tăng nhẹ nhưng không quá mạnh mẽ.
Nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn với cả nguồn cung mới và sức mua. đa dạng hơn,…riêng Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Theo nhiều dự báo, phải đến năm 2023 ngành du lịch mới có thể quay trở lại như năm 2019 trở về trước và khi đó bất động sản nghỉ dưỡng mới sôi động trở lại. Dù vậy, một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thế mạnh vượt trội và tiềm năng thì vẫn có tín hiệu tích cực.
“Tiềm năng/triển vọng trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do, sự tham gia hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu về FDI – Đầu tư – Xuất nhập khẩu,… tăng trưởng, kéo theo bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển sôi động”, ông Hoàng khẳng định.
Chia sẻ trên báo chí trước đó, TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho rằng để thị trường bất động sản sớm phục hồi sau đại dịch, một mặt góp phần vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, mặt khác tạo tiền đề cho những lĩnh vực kinh tế liên quan đến bất động sản phục hồi theo thì khơi thông nguồn vốn là giải pháp cần ưu tiên.
Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể xem xét phương án, kiến nghị của một số Hiệp hội ngành nghề trong thời gian qua như việc giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà đi đôi với không chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay quá hạn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án, cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà và bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng.
Theo TS. Ánh, để khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản sau đại dịch thì tín dụng cho lĩnh vực này cần được hưởng các ưu đãi ít nhất không thấp hơn so với tín dụng cho các ngành nghề lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Theo cafef.vn